Hành Hương Thánh Đô Năm Thánh Lòng Thương Xót (phần 04)

Hôm nay Thứ Ba 19/4, đi kính viếng Phép lạ Thánh Thể tại Lancianô, cách Roma đến khoảng hơn 280 cây số. Nên chúng tôi điểm tâm sáng sớm, để 7:00 khởi hành đến Lanciano. Khi mọi người đã yên ổn xe lăn bánh, chúng tôi bắt đầu lần hạt Mân Côi, dâng ngày cho Đức Mẹ gìn giữ đoàn hành hương luôn được bình an.

Trên hành trình đi Lancianô, chị Thérèse Huỳnh Thị Thuý Hằng và chị Lê Nguyễn Thanh Hương luân phiên giới thiệu và giải thích cặn kẽ về Phép lạ Thánh Thể, chuẩn bị mọi người hiểu thấu đáo và thật sốt mến sự kiện trọng đại.

Lanciano, thị trấn cổ vùng Frentani, nước Ý, đã lưu giữ phép lạ hàng đầu về Phép Thánh Thể trong Giáo hội Công giáo. Lịch sử phép lạ như sau: Vào khoảng năm 700 (thế kỷ thứ 8), trong ngôi nhà thờ nhỏ của Tu viện kính thánh Longinô (Legonziano – tên người lính đâm cạnh sườn Chúa), một linh mục Dòng thánh Basiliô đã hồ nghi không biết “sau khi Truyền phép” Chúa Giêsu có ngự thật trong phép Thánh Thể hay không! Ông xin Chúa lâu ngày, cho một dấu chỉ để dẹp tan sự nghi ngờ.

Một hôm, sau khi đọc lời truyền phép, cha bối rối, bàng hoàng vì phép lạ tỏ tường, cha thấy ngay trước mặt: bánh trở thành Thịt và rượu trở thành Máu. Sợ hãi nhưng hài lòng. Với nét mặt vui tươi, mắt ngấn lệ, cha quay nói với giáo dân và những người có mặt: “Hỡi những người đang tham dự chung quanh đây thật có phúc. Vì Chúa đã tỏ hiện trong bí tích Cực Thánh và trở nên hữu hình ngay dưới mắt anh em, để phá vỡ sự cứng lòng chai đá của tôi. Xin anh em tiến đến gần mà chiêm ngắm. Chúa đã trở nên gần gũi với chúng ta. Ðây là Thịt và Máu Chúa Giêsu yêu qúi của chúng ta”. Người ta không biết rõ tên linh mục đan sĩ này. Chỉ biết ông là linh mục thuộc đan viện nhỏ của Thánh Basiliô đến Lanciano tỵ nạn, trong làn sóng di cư của các đan sĩ Ðông Phương tới nước Ý, thời vua Leone III L’Isaurico.

Suốt 5 thế kỷ sau, các cha dòng thánh Basiliô trông coi gìn giữ Mình Máu Chúa cẩn thận. Năm 1176, Đức Thánh Cha Alexandriô trao cho các linh mục dòng Benedicto. Từ năm 1252, Đức Innocentê lại trao cho các cha dòng thánh Phanxicô. Năm 1258, một đền thờ rộng lớn xây bao trùm nhà thờ nhỏ thánh Legonziano. Thánh tích được đặt ở đây. Từ năm 1566 đã qua nhiều lần phải cất giấu quân giặc Thổ, xây nhà nguyện, lập bàn thờ…sau 150 năm. Năm 1809, theo lệnh vua Napoléon I, bãi bỏ các dòng tu, dòng Phanxicô phải rời đi và mãi tới năm 1953 mới trở lại sinh hoạt bình thường. Năm 1953 các cha dòng Phanxicô lại trông coi như trước. Phép lạ này được ghi chép trên tài liệu viết trên giấy da rất cổ. Nhưng vào đầu thế kỷ 15 bị hai đan sĩ dòng Basilio lấy cắp của dòng Phanxicô. Hiện nay chỉ còn tài liệu năm 1631, ghi trên giấy da bằng tiếng Hy Lạp và Latinh về tất cả chi tiết phép lạ ở Lanciano. Trước hết Thánh tích được đặt trong một hòm bằng ngà voi và được đặt tại nguyện đường cạnh nhà thờ chính.

Năm 1902 được lưu giữ đàng sau bàn thờ ở giữa cung nguyện. Bánh Thánh trở thành Thịt, như ngày nay người ta quan sát, được kính giữ trong hào quang bằng bạc, có kích thước như Mình Thánh lớn vẫn được các linh mục dùng trong Thánh Lễ. Thịt có màu hơi nâu và trở thành hồng nếu quan sát dưới ánh sáng trong. Rượu hóa thành Máu được kính giữ trong chén thánh bằng thủy tinh, họp thành 5 giọt to nhỏ khác nhau.

Từ năm 1923, Thịt Thánh được trưng bày trong một hào quang, và những giọt máu khô được đựng trong một chén lễ thủy tinh ở dưới chân hào quang. Trước nay, qua thời gian, các Thánh tích được các tín hữu và khách hành hương rất mực tôn kính. Vào những dịp đặc biệt Thánh tích được rước qua các đường phố trong thị trấn.

Phép lạ Mình Máu Chúa ở Lanciano là một phép lạ lâu dài, liên tiếp. Ðể đánh tan dư luận và hồ nghi lâu đời trong dân chúng, sau công đồng Trente (1545-1563) Tòa Thánh đã 5 lần cho khảo nghiệm Thánh tích ở Lanciano, và kết như sau: Năm 1574, chứng từ còn ghi lại để trong nhà nguyện bên tay phải gian chính nhà thờ. Sau mấy trăm năm, Thánh tích được đựng trong hòm sắt: Thịt vẫn còn nguyên vẹn. Máu phân thành 5 phần không đều nhau. Khi thì 5 phần hiệp thành một cục khi thì tách rời ra. Chúa muốn chứng tỏ dấu hiệu mới sự hiện diện của Ngài trong Mầu Nhiệm Thánh Thể. Tức là trong mỗi giọt rượu và mẩu bánh được thánh hiến có sự hiện diện thực sự của toàn thể Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu. Từ năm 1713. Thịt được lưu giữ trong một mặt nhật bằng bạc chạm trổ nghệ thuật, do một nghệ thuật gia trường thành Neapoli chạm trổ. Máu được đựng trong chén kiểu nghệ thuật xưa bằng đá phalê trong suốt. Bánh Thánh Thịt ấy đã được giữ rất cẩn thận tới ngày nay, cũng có kích thước lớn như bánh được Giáo hội quen dùng. Bánh có mầu nâu nhạt, và trở thành mầu hồng khi chiếu ánh sáng từ phía sau dọi lại. Máu thì đông lại và ngả mầu đất, vàng vàng như mầu đất thó.

Năm 1971, sau công đồng Vatican 2, các Tu sĩ dòng Phanxicô quyết định trao cho một nhóm bác học danh tiếng viện đại học Siena khảo sát lại theo khoa học. Cuộc khảo sát đã đưa đến những quả quyết khoa học tuyệt đối không thể chối cãi và trở thành tài liệu với những bức hình chụp bằng ống kính hiển vi tinh xảo, có thể giúp ích cho việc tôn thờ công cộng. Việc các di tích Thánh này được lưu trữ một cách tự nhiên trong 12 thế kỷ qua, không bằng chất hóa học, giữ trong không khí thường, mà Thịt Máu vẫn tồn tại cách khác thường, là một hiện tượng không sao giải thích theo khoa học được. Ngày nay, cứ 12 giờ trưa Chúa nhật thứ 2 sau lễ Phục Sinh (lễ kính Lòng Thương Xót Chúa), người ta có thể đến nhà thờ thánh Longinô, để nhìn ngắm tận mắt Mình Máu Chúa.

Phép lạ Thánh Thể siêu nhiên này giúp chúng ta hiểu biết phần nào vinh quang của Thiên Chúa tỏ hiện cho chúng ta. Ngài vẫn luôn hiện diện giữa thế gian, luôn gần gũi, luôn dưỡng nuôi chúng ta trên đường đời. Vậy chúng ta hãy luôn biết ơn, cảm tạ, tri ân và ca ngợi tôn vinh Thiên Chúa. Vinh dự thay, hồng phúc thay, chúng tôi được sắp xếp hiệp dâng thánh lễ tràn ngập tin yêu và sùng kính, ngay phía sau mặt nhật Phép lạ Thánh Thế.

Chúa đang tỏ mình, đang hiện diện vô cùng sống động tại Lancianô, ngay trước mắt những người hành hương chúng tôi. Máu và thịt đều được khoa học xác nhận cụ thể. Nếu chúng ta còn nghi ngờ, không tin vào dấu chỉ Thánh Thể mầu nhiệm, không tin Chúa hiện diện hữu hình ngay trước mắt, thì chúng ta liệu có còn thuộc về đoàn chiên của Chúa hay không? Hãy hoàn toàn tin cậy, biết ơn và hết sức cảm tạ hồng ân cực thánh này.

Chúng tôi cùng nhau đọc lời nguyện bằng tiếng Anh, sau đó anh Vũ Đình Trung dịch ra Việt ngữ để mọi người đều được hiệp ý, dâng lời tri ân :

Xin tôn vinh Ngài, lạy Đức Kitô, vì mầu nhiệm Thánh Thể mà Ngài đã để lại cho chúng con, như dấu chỉ của Lòng Thương Xót, để chúng con tăng trưởng Đức Tin qua sự hiện diện đích thực của Ngài. Chúng con tạ ơn Chúa Giêsu, vì sự thần kỳ trong việc Ngài đến và luôn làm sống động hóa Bàn Tiệc Thánh, Ngài là bạn đích thực của chúng con, là Bánh cho cuộc lữ hành, là Rượu cho niềm vui, là dầu xức cho sự đau khổ, là mong ước cho trái tim chúng con, xin thánh hóa chúng con, Ôi Thượng Đế, qua sự lãnh nhận Mình và Máu Ngài biến đổi chúng con. 

Qua lòng thương yêu của Ngài, chúng con có thể bày tỏ tình yêu bao la của Ngài cho tất cả mọi người. Và loan báo Tin Mừng về vương quốc Ngài ban cho tất cả thế giới trong thiên niên kỷ thứ ba.

Lạy Người Con của Thiên Chúa sống động, xin gởi Thánh Linh đến với chúng con, mở cho chúng con, con đường dẫn đến Cha Ngài, để chúng con được đón nhận trong cuối cuộc hành trình đời mình vào trái tim của Thiên Chúa Ba Ngôi, là phúc lành và bình an của chúng con đến muôn đời. Amen.

Sáng Thứ Tư 20/4, chúng tôi dậy rất sớm để dùng điểm tâm và lấy xe metro đến Quảng trường Thánh Phêrô. Vừa tới, đã thấy Thầy Khải đang chờ sẵn, và trao vé vào cho mỗi người. Một biển người, đoàn này nối tiếp đoàn khác nhiều vô kể. Cha GB lo lạc mất con chiên, cứ dặn đi dặn lại đi tập trung gần nhau, kẻo không biết đâu mà tìm giữa đám đông này. Xếp hàng dài cả cây số, đoàn cứ theo dòng người đẩy tiến về phía trước. Trong khi nhích dần từng bước về phía Quảng trường, chúng tôi bắt đầu cầu nguyện, lần hạt Mân Côi và xen kẽ thánh ca.

Qua những cửa kiểm soát chặt chẽ vì lý do an ninh, chúng tôi vào được bên trong sắp sẵn ghế ngồi. Đoàn chọn chỗ ngồi và chờ đợi. Trong khi chờ đợi ĐTC, các đoàn thể đã ghi danh yết kiến được trịnh trọng nêu tên.

Đúng 11g Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện trên chiếc popemobile màu trắng đơn sơ, nhãn hiệu Hyundai. Thân thương chạy quanh mấy vòng Quảng trường, Ngài tươi cười vẫy tay, chào đoàn chiên đến từ khắp nơi, rồi mới tiến về khán đài chính.

Lời Chúa dậy chúng ta phân biệt tội lỗi với kẻ có tội: không được hạ mình giàn xếp với tội lỗi, trong khi những người tội lỗi, nghĩa là tất cả chúng ta, đều giống những người đau yếu cần được săn sóc; và để săn sóc họ thì bác sĩ cần đến gần họ, viếng thăm họ và đụng tới họ. Và dĩ nhiên để được khỏi người bệnh phải thừa nhận mình cần đến thầy thuốc.

 ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 60.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi gặp gỡ chung sáng Thứ Tư 20/4/2016.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã tiếp tục khai triển đề tài lòng thương xót dựa trên câu chuyện thánh sử Luca kể trong chương 7. Một lần kia Chúa Giêsu được một người biệt phái tên là Simone mời tới dự tiệc tại nhà ông. Trong khi họ dùng bữa, thì có một phụ nữ tội lỗi, mà cả thành phố đều biết tiếng, đến khóc trên chân Chúa Giêsu, lấy tóc lau chân Ngài rồi hôn và xức dầu thơm chân Chúa. Ông biệt phái Simone mời Chúa Giêsu đến nhà ông vì đã nghe nói về Chúa như một vị ngôn sứ lớn. Nhận xét gương mặt của hai nhân vật trong câu chuyện ĐTC nói:

Nổi bật sự so sánh giữa hai gương mặt: gương mặt của ông Simone, người nhiệt thành phục vụ Lề Luật, và gương mặt của người đàn bà tội lỗi. Trong khi người thứ nhất phán xét các người khác dựa trên các vẻ bề ngoài, thì người thứ hai chân thành diễn tả con tim của mình với các cử chỉ. Tuy là người đã mời Chúa Giêsu, nhưng ông Simone không muốn bị liên lụy và để cho cuộc sống của ông bị lôi cuốn với vị Thầy; người phụ nữ trái lại, hoàn toàn tín thác nơi Chúa với tình yêu và sự tôn kính.

Ông biệt phái không nhận thức rằng Chúa Giêsu để cho mình bị các người tội lỗi làm ô uế. Ông nghĩ rằng nếu Ngài thực sự là một ngôn sứ, thì phải nhận ra các người tội lỗi và giữ họ ở xa để không bị ô uế, làm như thể họ là những người phong cùi. Đây là thái độ chuyên biệt của một kiểu hiểu tôn giáo và nó được viện lý bởi sự kiện Thiên Chúa và tội lỗi triệt để chống đối nhau. Nhưng Lời Chúa dậy chúng ta phân biệt tội lỗi với kẻ có tội: không được hạ mình giàn xếp với tội lỗi, trong khi những người tội lỗi, nghĩa là tất cả chúng ta, đều giống những người đau yếu cần được săn sóc; và để săn sóc họ thì bác sĩ cần đến gần họ, viếng thăm họ và đụng chạm tới họ. Và dĩ nhiên để được khỏi người bệnh phải thừa nhận mình cần đến thầy thuốc.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Giữa người biệt phái và phụ nữ tội lỗi, Chúa Giêsu đứng về phía người đàn bà tội lỗi. Tự do khỏi mọi thành kiến ngăn cản lòng thương xót tự diễn tả, Ngài để cho bà làm. Ngài, Đấng Thánh của Thiên Chúa, để cho bà sờ mó, mà không sợ bị bà làm ô uế. Chúa Giêsu tự do vì Ngài gần Thiên Chúa là Cha thương xót. Và sự gần gũi Thiên Chúa là Cha thương xót đó trao ban cho Chúa Giêsu sự tự do. ĐTC giải thích thái độ của Chúa Giêsu như sau:

Còn hơn thế nữa, khi bước vào trong tương quan với người phự nữ tội lỗi, Chúa Giêsu chấm dứt tình trạng cô lập, mà sự phán xét không thương xót của ông biệt phái và của các người đồng hương đã khai thác bà – họ kết án bà: “Các tội của con đã được tha” (c.48). Người phụ nữ giờ đây có thể ra đi “bằng an”. Chúa đã trông thấy đức tin và sự hoán cải chân thành của bà, vì thế Ngài tuyên bố trước mặt tất cả mọi người: “Lòng tin của con đã cứu con” (c. 50). Một đàng cái giả hình của vị tiến sĩ luật, đàng khác là sự chân thành, lòng khiêm nhường và đức tin của người đàn bà. Tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi, nhưng biết bao lần chúng ta rơi vào cám dỗ của sự giả hình, tìn rằng mình tốt lành hơn những người khác và chúng ta nói: “Hãy nhìn tội của bạn…” Trái lại chúng ta tất cả đều phải nhìn tội lỗi của mình, các sa ngã, các sai lầm của mình và nhìn lên Chúa. Đó là con đường của sự cứu rỗi: tương quan giữa “tôi” kẻ tội lỗi và Chúa. Nếu tôi cảm thấy mình công chính, thì không có tương quan này.

Đến đây một sự ngạc nhiên lớn hơn nữa tấn công tất cả mọi người cùng dự tiệc: “Ông này là ai mà cũng có quyền tha tội?” (c. 49). Chúa Giêsu không đưa ra một câu trả lời rõ ràng, nhưng sự hoán cải của người phụ nữ tội lỗi ở trước mắt tất cả mọi người, và chứng minh cho thấy nơi Ngài rạng ngời lên quyền năng lòng thương xót của Thiên Chúa, có khả năng biến đổi các con tim… (Linh Tiến Khải, Chúa Giêsu không sợ bị ô uế bởi người tội lỗi cần đưọc chữa lành, Radio Vatican)

Rời quảng trường sau buổi yết kiến ĐTC, chúng tôi được thầy Khải dẫn đến thăm Radio Vatican. Chúng tôi được đón tiếp nồng hậu, vui vẻ, mời vào phòng họp. Một cô hướng dẫn viên người Đức giới thiệu về Radio Vatican. May mắn chúng tôi được Cha GB, thông dịch lại thật trôi chảy. Tiếp theo đoàn được xem đoạn phim 10 phút về lịch sử và hoạt động của đài phát thanh Vatican. Sau đó cô hướng dẫn viên thật vui vẻ, hoạt bát, sẵn sàng trả lời bất cứ ai còn thắc mắc.

Đài phát thanh Vatican ( tiếng Ý: Radio Vaticana– RV) là dịch vụ truyền thanh  chính thức của Thành Vatican.  Đài phát thanh này được thành lập năm 1931 bởi Guglielmo Marconi – một nhà sáng chế người Ý. Ngày nay, các chương trình phát thanh của đài này thực hiện bằng 47 ngôn ngữ với hơn 200 nhà báo  tại 61 quốc gia  khác nhau, trên sóng ngắn  (tức DRM), sóng trung, FM, vệ tinh và internet. Tổng giám đốc cũ của RV là Linh mục Federico Lombardi, SJ. Dòng Tên  đảm nhận việc quản lý RV ngay từ khi nó được thành lập. Trong  Chiến tranh Thế giới thứ hai, trước sự lớn mạnh của Phát xít Ý và Phát xít Đức, RV là đơn vị cung cấp nguồn tin cho quân  Đồng Minh. (Wikipedia)

Rồi Thầy Khải tiếp tục dẫn chúng tôi đến phòng làm việc của các nhân viên. Chúng tôi được vinh hạnh gặp Đức Ông Hoàng Minh Thắng và Lm Trần Đức Anh, đang làm việc. Đặc biệt, chúng tôi còn được cho vào phòng ghi âm, mục kích cụ thể hoạt động của đài.

Chia tay Radio Vatican, chúng tôi đi dùng cơm trưa. Xong cùng đi bộ đến nhà Tổng Quyền Dòng Tên, viếng thủ cấp Chân Phước Anrê Phú Yên. Ngay tại nguyện đường của nhà Tổng Quyền, đoàn được hân hạnh dâng thánh lễ trong ngày. Anh chị Liễng – Trang đọc cho đoàn nghe về tiểu sử của vị Chân Phước tử đạo.

Bài nhập lễ Khải Hoàn Ca ngợi ca chiến thắng hào hùng của Chân Phước tử đạo Anrê Phú Yên.

Cha GB ân cần chia sẻ bài Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 12, 44-50):  Mỗi ngày là một hồng ân, hôm nay chúng ta được kính viếng thủ cấp của vị thánh tử đạo. Ngài tử đạo khi mới có 19 tuổi, mẫu gương anh dũng cho toàn Giáo hội VN và cũng là mẫu gương cho tất cả chúng ta. Hạt giống gieo vào lòng đất, không chết đi, mà trổ sinh ra bao hoa trái.

Ðức Giêsu lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Ðấng đã sai tôi; ai thấy tôi là thấy Ðấng đã sai tôi.” (Ga 12, 44-45)

 Chân phước André Phú Yên không những đã vững tin vào Đức Giêsu, mà còn trông cậy và đặc biệt sốt sắng yêu mến. Khi nghe bản án tử hình, thầy Anrê tỏ ra thanh thản và vui mừng được chịu khổ đau vì Chúa Kitô. Thầy khích lệ những người đến thăm. Thầy xin họ cầu nguyện cho mình được ơn trung thành với Chúa, và nói lên ước nguyện được dâng hiến mạng sống trong tình yêu trọn vẹn, hầu đáp trả tình yêu thương vô biên của Chúa, Đấng đã hiến mạng sống vì loài người… Lời thầy lập lại nhiều lần nhất là: “Chúng ta hãy lấy tình yêu để đáp lại tình yêu của Chúa chúng ta, hãy lấy mạng sống đáp lại mạng sống.”

Đáp lại Tình Yêu, Chân phước Anrê đã sẵn sàng hiến mạng sống. Còn chúng ta dành cho Chúa tình yêu như thế nào? Có sẵn sàng hy sinh phục vụ Chúa qua tha nhân, sẵn sàng dấn thân giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn? Hay chúng ta chỉ yêu thương tha nhân qua môi mép, qua hình thức, chạy theo phong trào?

Chúa chờ đợi, mong mỏi chúng ta trao cho Ngài trái tim hồng trọn vẹn. Hay chỉ gửi lại Chúa trái tim rách nát, bầm dập, đã bị bao người từ chối, lạm dụng. Chúa chờ đợi chúng ta trao tấm lòng thành thật cho Ngài. Nhưng Ngài chỉ nhận được sự vị kỷ, bất nghĩa, bất trung. Chúa chờ chúng ta đáp lại niềm tin bằng chính tư tưởng, lời nói và hành động với tha nhân, nhưng thường thì chúng ta chỉ làm Chúa buồn phiền đau khổ thêm, vì Đức Tin quá mỏng manh và yếu đuối.

Với anh chị em, với cộng đoàn, nhiều khi chúng ta viện lẽ làm việc chung, phục vụ tha nhân, nhưng thực ra, ngấm ngầm, kín đáo phục vụ cái tôi háo danh lợi, nên cứ tha hồ hữu ý hay vô tình xúc phạm đến anh chị em. Vậy là chúng ta đã lấy oán trả ân, đã phũ phàng đáp lại LTX vô biên của Chúa.

Trước thủ cấp Chân phước Anrê Phú Yên, chúng ta hãy khấn xin Ngài cầu bầu cùng Chúa, ban cho chúng ta thêm ba nhân đức Tin Cậy Mến, để chúng ta xứng đáng là hậu duệ của dòng máu anh hùng tử đạo Việt Nam.

Dưới sự che chở của Thiên Chúa, thủ cấp của Chân phước Anrê Phú Yên hành trình về đến Roma thật kỳ diệu. Sau tám tháng ở Djakarta, mà ba tháng bị người Thệ Phản Hòa Lan cầm tù vì ghét đạo Công giáo, cha Đắc Lộ theo tàu buôn đến Macassar (quần đảo Célèbes) ngày 21 tháng 12 năm 1646, với thủ cấp của vị tử đạo linh thiêng luôn luôn bên mình. Tới tháng 6 năm sau, cha mới gặp và đáp một chuyến tàu của người Anh về Âu Châu. Tàu này trở qua eo biển de la Sonde, tới hải cảng Surate, thuộc tiểu bang Bombay (Ấn Độ) ngày 30 tháng 9 năm 1647, rồi bốn tháng sau mới lại nhổ neo đi Ba Tư. Tới Ba Tư vào đầu tháng 3 năm 1648, vì không gặp sẵn chuyến tàu vòng qua Hảo Vọng giác, giáo sĩ quyết định theo đường bộ để về La Mã, mặc dầu phải đi qua các xứ Hồi giáo rất hiềm khích đối với Công giáo, và các miền hiểm trở có nhiều giặc cướp. Dấn thân vào cuộc phiêu lưu mới này, Cha tự nhận trước cho bản thân mọi bất trắc dọc đường, nhưng không muốn liều mình để mất kho tàng quý giá nhất: Cha liền gửi thủ cấp vị tử đạo Anrê cùng với ít nhiều đồ vật khác về cho các cha dòng Tên ở Goa để chờ dịp chắc chắn sẽ gửi về La Mã.

Tiếp theo cuộc hành trình, Cha qua Aspaan, thủ đô Ba Tư, nay là tỉnh Ispahan, ngược lên xứ Médie nay là Azerbaijan, xứ Arménie thượng – cả hai miền này hiện bị Nga Xô thôn tính – rồi xuyên ngang nước Thổ Nhĩ Kỳ, sau đúng một năm đi bộ, mới tới hải cảng Smyrne trên bờ Địa Trung Hải. Tại đây Cha đáp tàu Ý Đại Lợi, về đến La Mã ngày 27 tháng 6 năm 1649, sau ngót ba năm hành trình gian khổ.

Ngày tháng qua, cha Đắc Lộ ở La Mã chờ đợi đã gần ba năm mà chưa được tin tức gì về báu vật của mình. Giữa lúc bất ngờ, thì một ngày trong năm 1652, thủ cấp vị tử đạo Phú Yên cũng về tới kinh thành muôn thưở. Bao nhiêu đồ đạc khác của Cha Đắc Lộ gửi lại Goa đã bị mất hết, tước đoạt hết. “Không một sự gì thoát khỏi cuồng vọng của con người và những tráo trở của hoàn cảnh, chỉ trừ cái đầu của thầy Anrê tôi”! Cha Đắc Lộ hiên ngang ghi chép như vậy.

Người đã lo lắng gửi kho báu ấy về La Mã không ai khác hơn là chính cha Mathias da Maya, quản nhiệm dòng Tên tỉnh hạt Nhật Bản và Trung Hoa, trụ sở tại Goa, tác giả bản tường trình Relacao, đã trở nên một sử liệu quý báu.

Khởi hành từ Goa năm 1649, thủ cấp vị tử đạo Phú Yên đã phải vòng qua Hảo Vọng giác, ngược Đại Tây Dương, và chắc hẳn đã phải ghé qua thủ đô Bồ Đào Nha trước khi vào Địa Trung Hải để tới thủ đô Giáo hội.

“Tôi tiếp nhận di tích ấy – lời Cha Đắc Lộ – với một lòng phấn khởi vô cùng. Tôi hôn kính cả ngàn lần, đến khi rời La Mã, tôi để lại cho cha Bề trên Cả. Ngài hân hạnh đặt thủ cấp vị tiên khởi tử đạo xứ Nam trong nhà mẹ Dòng Tên ở thủ đô thế giới”.

Để giới thiệu vị tử đạo tiên khởi của Việt Nam với Tòa thánh và thế giới, ngay năm ấy (1652) Cha viết cuốn Cuộc tử đạo oai hùng của thầy giảng Anrê xứ Đàng Trong bằng tiếng Ý, ấn hành ngay tại La Mã, và đến năm sau viết luôn ra tiếng Pháp in tại Balê. Cha Đắc Lộ còn nhờ một họa sĩ hữu danh người Ý, Giacinto Brandi vẽ hình cuộc tử đạo của thầy giảng Phú Yên in làm phụ bản trong hai sách ấy.

Từ khi về tới La Mã, thủ cấp vị tử đạo Anrê vẫn được giữ tại nhà dòng bên cạnh thánh đường Chúa Giêsu. Đến năm 1773, dòng Tên phải giải tán theo lệnh Đức Giáo hoàng Clêmentê XIV, di cốt của thầy giảng Anrê cũng như các di vật thánh khác của Dòng, được trao lại cho ban quản đốc nhà thờ Chúa Giêsu. Do sự thay đổi ấy, và để tránh sự thất lạc hoặc lầm lẫn về sau, người ta mới nhận thấy sự cần thiết lập một bản chứng thư. Bản này làm ngày 10 tháng giêng năm 1809, nhân danh Đức hồng y Julius Maria de Somalia, phụ tá Đức giáo hoàng Piô VII trong nhiệm vụ cai quản địa phận La Mã, và ký tên Đức cha Benedetto Fenaja, giáo chủ thành Constantinopoli, tá lý địa phận La Mã. Bản chứng thư liệt kê và nhìn nhận “sọ, tóc, răng và khăn liệm của Anrê 20, thầy giảng thuộc dòng Chúa Giêsu, đã đổ máu vì Đức tin ngày 26 tháng 7 năm 1644, hồi 19 tuổi. Những thứ đó đã lấy tự chính nguồn gốc…”

Đến khi dòng Tên được tái lập và xây tòa Bề trên Cả tại số 5 đường Borgo Santo Spirito, thì tất cả các tài liệu và di tích về thầy giảng Anrê được di chuyển về đó, đặt tại tầng lầu thứ hai, (không kể tầng dưới) trong phòng để hình ảnh, di tích và hài cốt các vị Thánh và Chân phúc của Dòng, do vị linh mục tổng thỉnh nguyện các vụ án phong thánh (postulateur général) trông coi.

Hiện nay, sọ thầy giảng Anrê (không có hàm dưới) vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có phía hữu trước mặt bị hao mòn chút ít, và đôi chỗ ngả mầu tím, còn tất cả trắng đẹp như ngà. Phía trên sọ, nét bút cổ xưa ghi năm lần những lời sau đây: “Andreas Catechista, primus in Cocincina pro Christi fide fuit occisus”: Thầy giảng Anrê người đầu tiên ở xứ Nam đã đổ máu vì tin Chúa Kitô. Hàm trên còn dính hai chiếc răng hàm lớn và hai răng hàm nhỏ, ngoài ra còn có sáu cái răng rời, cũng của hàm trên, một nắm tóc nâu còn tốt nguyên vẹn, một ít bông gòn, một ít vải thấm máu, và cả cái tùi bằng lụa bọc thủ cấp, có ghi hàng chữ bằng tiếng La tinh nói rằng cha Mathias da Maya, quản nhiệm dòng Tên tỉnh Nhật Bản và Trung Hoa, gửi cho cha Đắc Lộ sọ thầy giảng Anrê, người đầu tiên đã bị giết ở xứ Nam vì tin Chúa Kitô.

Sau bao biến thiên trong khoảng thời gian trên ba thế kỷ, những di tích còn giữ được như vậy cho đến ngày nay là một điều quý trọng, hiếm có, lạ lùng. Mình nằm ở Ao Môn, đầu ngự ở La Mã mắt nhìn thẳng vào Tòa đấng kế vị Chủ Chăn Nhân Lành. (Tứ Linh, Thủ cấp của Thầy André Phú Yên về Roma)

Rời nhà Tổng Quyền Dòng Tên, chúng tôi đi đến viếng Nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang (Santa Maria Della Scala), Hiệu toà của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Nhà thờ này được xây dựng (1593-1610) để tôn vinh Đức Mẹ. Truyền thống cho rằng khi bức ảnh thánh được đặt trên nền của một cầu thang gác trong căn nhà bên cạnh, nơi đó người mẹ cầu nguyện trước bức ảnh thánh và Đức Mẹ đã làm phép lạ chữa lành đứa con dị dạng của bà. Được hiến dâng cho Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Bức ảnh thánh này nằm ở phía Bắc cánh ngang của Nhà thờ, dọc theo đó là bức tượng Thánh Gioan Thánh Giá theo nghệ thuật Baroque.

Năm 1650, gần năm mươi năm sau khi hoàn thành tòa nhà, Carlo Rainaldi đã thiết kế một ngôi nhà thờ hình Baldachino với 16 hàng cột mảnh mai bằng đá quý ngọc thạch anh (jasper) theo kiểu nghệ thuật Corintô và một bàn thờ cao. Năm 1849, trong giai đoạn cuối cùng cuộc chống cự của Cộng hòa Cách mạng Roma, chống lại sự xâm lặng của quân đội Pháp, Santa Maria della Scala đã được sử dụng như một bệnh viện điều trị binh lính của Garibaldi bị thương trong cuộc chiến ở Trastevere. (Lm, G. Nguyễn Hữu An, Hành hương Âu Châu)

Trong Nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang, nổi bật bên mộ phần của vị Tôi Tớ Chúa, ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, với hai bảng yết thị (poster) in chân dung ngài và hai câu trích từ Đường Hy Vọng. Bên phải viết bằng tiếng Ý: “Con đừng bao giờ mãn nguyện với một đức tin lý thuyết và hình thức, nhưng phải sống một đức tin chân thực, thiết ái và trung thành.” (ĐHV 280) Bảng bên trái chép câu vừa tiếng Ý vừa tiếng Việt cùng một ý: Con mang một đồng phục, nói một ngôn ngữ: Bác ái.”(ĐHV 984) Chúng tôi vây quanh mộ Ngài, chăm chú lắng nghe anh Giuse Nguyễn Văn Thảo thuật lại cuộc đời và hoạt động của ĐHY Phanxicô Xaviê. Khi nhắc đến thời điểm ngài thành lập Chủng viện Lâm Bích, anh bỗng nghẹn ngào, thổn thức, không thể nói tiếp nữa.

Âm thầm cảm thông, lặng lẽ chờ anh qua cơn chấn động tâm hồn. Cả đoàn đều biết rằng, anh Thảo chính là một cựu chủng sinh Lâm Bích. Làm sao tránh khỏi ngậm ngùi, rung động khi nhắc đến vị Tôi Tớ Chúa, đấng sáng lập Chủng viện từng dưỡng nuôi anh.

Sau khi anh Thảo trình bày những nét chính về cuộc đời anh dũng, đầy gian nan, thử thách của ĐHY Phanxicô Xaviê, chúng tôi im lặng, suy gẫm mấy phút, rồi cùng thành khẩn đọc Kinh Xin Ơn. Kính xin ngài cầu bầu cho từng người chúng tôi được phúc lành, theo Lòng Thương Xót vô biên của Chúa.

Tạm biệt Nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang, chúng tôi lặng lẽ ra về kịp giờ cơm chiều tại Foyer Phát Diệm. Trong tâm tư mỗi người còn đọng lại quá nhiều cảm xúc thánh thiện từ Chân Phước Anrê Phú Yên đến Tôi Tớ Chúa, ĐHY Phanxicô Xaviê. Xin biết ơn và cảm tạ Chúa đã thương ban cho đoàn.

 

Thérèse Huỳnh Thị Thúy Hằng

(Học viên lớp Thần Học Giáo Dân ở Đan Mạch)

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*