Tiêu chuẩn chọn bài đọc ngày thường Mùa Thường Niên

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Bible.jpgHỏi: Xin cha cho biết luật về việc chọn các bài đọc ngày thường Mùa Thường Niên. Đâu là các tiêu chuẩn thần học và động lực đằng sau các bài đọc được chỉ định? Thí dụ, từ thứ Hai của tuần đầu tiên đến tuần thứ tư trong năm lẻ, chúng ta đọc Thư gửi tín hữu Hipri, sau đó đến sách Sáng Thế, vv… Tuy nhiên, trong năm chẳn, lại đọc Samuel I và II, sau đó đến Các Vua, vv… Con rất muốn biết điều này và xin cha giải thích cho. – D. Z., Bắc Kinh, Trung Quốc.

Đáp: Phần Dẫn nhập Sách Bài Đọc nêu ra lời giải thích phong phú cho các tiêu chuẩn được sử dụng trong việc lựa chọn các bài đọc. Ý tưởng chung là trình bày cho các tín hữu, trong chu kỳ hai năm, một lựa chọn rộng rãi của hầu hết các phần của Kinh Thánh. Chu kỳ hai năm là độc lập với chu kỳ ba năm của ngày Chúa Nhật, vì thế đôi khi có các bài đọc tương tự vào ngày Chúa Nhật và ngày trong tuần. Phần giới thiệu nói:

“59. Quyết định về việc duyệt lại Sách Bài Đọc cho Thánh lễ là để xây dựng và biên tập một trật tự duy nhất, phong phú, và đầy đủ của bài đọc, vốn phải là hoàn toàn phù hợp với mục đích và quy định của Công Đồng chung Vatican II. Tuy nhiên, đồng thời, trật tự này cũng phải đáp ứng các yêu cầu và tập lệ của Giáo Hội địa phương và các cộng đoàn cử hành. Vì lý do này, những người chịu trách nhiệm cho việc duyệt lại đã bỏ ra nhiều công sức để bảo toàn truyền thống phụng vụ của Nghi Lễ Rôma, nhưng đánh giá cao các thành tích của tất cả các hệ thống lựa chọn, sắp xếp, và sử dụng các bài đọc Kinh Thánh trong các gia đình phụng vụ khác và trong một số Giáo Hội địa phương. Các người duyệt lại đã sử dụng các yếu tố mà kinh nghiệm đã khẳng định, nhưng với một nỗ lực lớn để tránh các thiếu sót nhất định được tìm thấy trong hình thức trước đây của truyền thống.

“60. Thứ tự hiện tại của các bài đọc cho Thánh Lễ là một sự sắp xếp các bài đọc Kinh Thánh, vốn cung cấp cho các tín hữu một kiến thức của toàn bộ lời Chúa, trong một mô hình phù hợp với mục đích. Trong suốt năm phụng vụ, nhưng nhất là trong mùa Phục Sinh, Mùa Chay, và Mùa Vọng, sự lựa chọn và thứ tự của các bài đọc là nhằm giúp các tín hữu của Đức Kitô một nhận thức ngày càng sâu hơn của đức tin, mà họ tuyên xưng và của lịch sử cứu độ. Theo đó, thứ tự của các bài đọc tương ứng với các yêu cầu và lợi ích của Kitô hữu”.

Về việc sắp xếp các bài đọc cho các ngày trong tuần, tài liệu này tiếp tục nói:

“69. Các bài đọc ngày trong tuần đã được sắp xếp theo cách sau đây.

“1. Mỗi Thánh Lễ có hai bài đọc: bài đọc thứ nhất là lấy từ Cựu Ước hay từ một vị Tông Đồ (nghĩa là, hoặc từ một thư hoặc từ Sách Khải Huyền), và trong mùa Phục Sinh, từ sách Công Vụ Tông Đồ; bài đọc thứ hai lấy từ các sách Tin Mừng.

“2. Chu kỳ hàng năm cho Mùa Chay có các nguyên tắc sắp xếp riêng, vốn có tính đến đặc điểm phép rửa và thống hối của mùa này.

“3. Chu kỳ cho các ngày trong tuần của Mùa Vọng, mùa Giáng sinh, và mùa Phục Sinh, cũng là hàng năm, và do đó các bài đọc vẫn như nhau mỗi năm.

“4. Đối với ba mươi bốn tuần của Mùa Thường Niên, các bài đọc Tin Mừng ngày thường được sắp xếp trong một chu trình đơn giản, được lặp lại mỗi năm. Tuy nhiên, bài đọc thứ nhất được sắp xếp trong một chu kỳ hai năm, và do đó được đọc mỗi hai năm một lần. Năm I được sử dụng trong các năm lẻ; và Năm II, trong các năm chẵn.

“Giống như thứ tự cho các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ, thứ tự các bài đọc ngày trong tuần được qui định bởi sự áp dụng tương tự của các nguyên tắc về sự hài hòa và việc đọc bán liên tục, đặc biệt là trong trường hợp của các mùa với đặc tính riêng của mùa”.

Trong số các tiêu chuẩn được dùng, có tiêu chuẩn duy trì một số truyền thống liên quan đến các bài đọc trong các mùa đặc biệt:

“74. Trong trật tự các bài đọc, một số sách Kinh Thánh được dành cho mùa phụng vụ đặc biệt, trên cơ sở cả về tầm quan trọng nội tại của chủ đề và cả truyền thống phụng vụ. Thí dụ, truyền thống Tây phương (Ambrôxiô và Tây Ban Nha) và truyền thống Đông phương vẫn duy trì việc đọc Công Vụ Tông Đồ trong mùa Phục sinh. Việc sử dụng này là kết quả trong một sự trình bày rõ ràng về cách thức toàn bộ đời sống của Giáo Hội bắt nguồn từ mầu nhiệm Vượt qua. Truyền thống của cả Tây phương và Đông phương cũng được duy trì, cụ thể là việc đọc Tin Mừng theo thánh Gioan trong các tuần cuối của mùa Chay và mùa Phục Sinh.

“Truyền thống gán việc đọc Isaia, đặc biệt là phần đầu tiên, cho Mùa Vọng. Tuy nhiên, một số phần của sách này được đọc trong mùa Giáng sinh, và Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan cũng được gán cho thời kỳ này”.

Cùng với tiêu chuẩn này, chúng tôi cung cấp một bản tóm tắt các tiêu chuẩn dành cho các bài đọc hàng ngày:

“Mùa Vọng

“94. Có hai loạt bài đọc: một loạt dành sử dụng từ đầu Mùa Vọng cho đến ngày 16-12, và một loạt dành cho từ ngày 17 đền ngày 24-12.

“Trong phần đầu của Mùa Vọng, có bài đọc từ Sách Isaia, được phân phối phù hợp với trình tự của chính cuốn sách, và bao gồm các đoạn văn quan trọng hơn, vốn cũng được đọc vào ngày Chúa Nhật. Vì sự lựa chọn bài Tin Mừng của ngày trong tuần, bài đọc thứ nhất cần được xem xét cho phù hợp. Vào ngày thứ năm của tuần thứ hai, bài đọc Tin Mừng có liên quan đến thánh Gioan Tẩy Giả. Cho nên bài đọc thứ nhất hoặc là một sự tiếp nối đoạn văn trong Isaia, hoặc một đoạn văn có liên quan đến bài Tin Mừng. Trong tuần cuối cùng trước lễ Giáng sinh, các sự kiện chuẩn bị trực tiếp cho việc Chúa Giáng sinh được trình bày từ Tin Mừng theo thánh Mátthêu (chương 1) và thánh Luca (chương 1). Các bài đọc thứ nhất, lựa chọn nhắm theo Tin Mừng, là từ các sách Cựu Ước khác nhau và bao gồm các sứ ngôn quan trọng về Đấng Mêsia.

“Mùa Giáng Sinh

“96. Từ ngày 29-12, có việc đọc liên tục toàn bộ Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan, vốn thực sự được đọc sớm hơn, vào ngày 27-12, lễ thánh Gioan, và vào ngày 28-12, lễ các Thánh Anh Hài. Các sách Tin Mừng liên quan việc Chúa tỏ mình ra: sự kiện thời thơ ấu của Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo Thánh Luca (ngày 29 và 30-12); các đoạn từ chương đầu của Tin Mừng theo Thánh Gioan (từ 31-12 đến 5-1); các việc tỏ mình khác của Chúa từ bốn Phúc âm (từ 7 đến 12-1).

”Mùa Chay

“98. Các bài đọc từ sách Tin Mừng và Cựu Ước đã được lựa chọn bởi vì chúng có liên quan với nhau. Chúng diễn tả các chủ đề khác nhau của huấn giáo Mùa Chay, vốn là thích hợp với ý nghĩa tinh thần của mùa này. Bắt đầu từ thứ Hai của tuần thứ Tư Mùa Chay, có việc đọc gần như liên tục Tin Mừng theo Thánh Gioan, gồm các đoạn văn tương ứng chặt chẽ hơn với các chủ đề riêng của Mùa Chay. Bởi vì các bài đọc về người phụ nữ Samaria, người mù bẩm sinh, và việc làm cho Ladarô sống lại được chỉ định cho ngày Chúa Nhật, nhưng chỉ cho Năm A (còn Năm B và Năm C, các bài đọc là tùy chọn), các bài đọc này cũng dùng trong các ngày trong tuần nữa. Như vậy vào đầu các tuần thứ Ba, thứ Tư, và thứ Năm của Mùa Chay, các Thánh Lễ tùy chọn với các bài trên cho Tin Mừng được đưa vào sẵn, và có thể dùng thay cho bài đọc của bất cứ ngày nào trong tuần của tuần tương ứng. Trong các ngày đầu của Tuần Thánh, các bài đọc nói là về mầu nhiệm cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Về Thánh Lễ Truyền Dầu, các bài đọc nói về cả Sứ vụ Thiên sai của Chúa Kitô, và cả sự tiếp nối của nó trong Giáo Hội qua các bí tích.

“Mùa Phục Sinh

“101. Cũng như các ngày Chúa Nhật, bài đọc thứ nhất là việc đọc gần như liên tục sách Công Vụ Tông Đồ. Các bài đọc Tin Mừng trong tuần bát nhật Phục Sinh là trình thuật các lần Chúa hiện ra. Sau đó là việc đọc gần như liên tục Tin Mừng theo thánh Gioan, nhưng với các đoạn văn có đặc tính Phục sinh, để hoàn thành việc đọc Tin Mừng theo thánh Gioan trong Mùa Chay. Việc đọc bài mùa Phục sinh bao gồm trong phần lớn diễn từ và lời nguyện của Chúa vào cuối bữa tiệc ly.

“Mùa Thường Niên

“103. Mùa thường niên bắt đầu vào ngày thứ Hai sau Chúa Nhật sau ngày 6-1, và kéo dài cho đến ngày thứ Ba trước Mùa Chay. Mùa này lại bắt đầu từ ngày thứ Hai sau Chúa Nhật Hiện Xuống và kết thúc trước kinh chiều I của Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng. Trật tự các bài đọc cung cấp các bài đọc cho ba mươi bốn ngày Chúa Nhật và những tuần sau đó. Tuy nhiên, trong một số năm, chỉ có ba mươi ba tuần của mùa Thường Niên. Hơn nữa, một số Chúa Nhật hoặc thuộc về một mùa khác (Chúa Nhật lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa và Chúa Nhật Hiện Xuống) hoặc bị cản trở bởi một lễ trọng trùng với ngày Chúa Nhật (ví dụ như lễ Chúa Ba Ngôi hoặc lễ Chúa Kitô Vua).

“109. Các sách Tin Mừng được sắp xếp để Tin Mừng theo thánh Máccô được đọc đầu tiên (từ tuần 1 đến tuần 9), sau đó Tin Mừng theo thánh Mátthêu (từ tuần 10 đến tuần 21), và Tin Mừng theo thánh Luca (từ tuần 22 đến tuần 34). Các chương từ 1 đến 12 của Tin Mừng theo thánh Máccô được đọc toàn bộ, với ngoại lệ duy nhất của hai đoạn của chương 6 được đọc vào các ngày trong tuần của các mùa khác. Từ Tin mừng theo thánh Mátthêu đến Tin Mừng theo thánh Luca, các bài đọc bao gồm tất cả các chủ đề không có trong Tin Mừng theo thánh Máccô. Còn các đoạn, vốn có thể hoặc được trình bày riêng trong mỗi Tin Mừng, hoặc là cần thiết cho một sự hiểu biết riêng của tiến triển của nó, được đọc hai hoặc ba lần. Diễn từ cánh chung của Chúa Giêsu, vì dược chứa trọn trong Tin Mừng theo thánh Luca, được đọc vào cuối năm phụng vụ.

“110. Bài Đọc I được thực hiện trong khoảng thời gian nhiều tuần, trước tiên từ đoạn văn này đến đoạn văn khác của Cựu Ước; số tuần phụ thuộc vào độ dài của các sách Kinh Thánh được đọc. Các đoạn văn dài hơn được đọc từ Tân Ước, để cung cấp nôi dung sâu lắng của các Thư. Từ Cựu Ước, có chỗ cho một số đoạn chọn lọc, vốn trong mức độ có thể được, nêu ra đặc tính của mỗi sách. Các bản văn Lịch sử đã được lựa chọn theo một cách để cung cấp một cái nhìn tổng thể của lịch sử cứu độ, trước khi Chúa nhập thể. Nhưng các trình thuật dài hơn khó được trình bày, nên đôi khi một số câu của các trình thuật này được chọn để làm cho bài đọc có độ dài vừa phải. Ngoài ra, ý nghĩa tôn giáo của các sự kiện lịch sử đôi khi được đưa ra nhờ các đoạn văn từ các sách Khôn ngoan, vốn được đặt như lời nói đầu hoặc lời kết luận cho một loạt các bài đọc lịch sử.

“Gần như toàn bộ các sách Cựu Ước tìm thấy một vị trí trong trật tự của bài đọc cho các ngày trong tuần của Mùa riêng. Các đoạn duy nhất được bỏ qua là ngắn nhất trong các sách Ngôn sứ (Obadiah ‘Ôvađia’ và Zephaniah ‘Xôphônia’) và sách thi ca (Diễm ca). Trong số các trình thuật của việc xây dựng trật tự đòi hỏi một sự đọc dài, nếu họ có thể được hiểu, có Tôbia và Ruth ‘Rút’, nhưng các trình thuật (Esther ‘Étte’ và Judith ‘Giuđitha’) được bỏ qua. Tuy nhiên, các đoạn văn của hai sách này được chỉ định cho các Chúa Nhật và các ngày trong tuần vào các thời điểm khác trong năm… Cuối năm phụng vụ, các bài đọc lấy từ các sách, vốn tương ứng với đậc tính cánh chung của thời kỳ, đó là sách Đanien và Sách Khải Huyền”.

(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 17-11-2015)

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*