Tin Mừng nói gì về sự phục sinh của Đức Giêsu?

Niềm tin Kitô giáo xuất phát từ một con người tên là Giêsu. Kinh Thánh thuật lại rằng Ngài đã bị quân Roma hành hình bằng cách đóng đinh vào thập giá. Ngài đã chết.

Chuaphucsinh.jpg

Cái chết của Ngài đã mang đến nỗi đau buồn cũng như thất vọng cho nhiều người vì họ không thể tin rằng một con người vừa tốt lành, vừa quyền năng như Ngài lại phải chết theo một cách thức nhục nhã như thế. Tuy nhiên, chính Kinh Thánh cũng cho biết là Ngài đã phục sinh từ cõi chết. Sự phục sinh của Ngài đã làm dấy lên không biết bao nhiêu điều lạ lẫm, mà cho đến nay, đã hơn hai ngàn năm trôi qua, người ta vẫn còn đặt câu hỏi về nó.

Thánh Phaolo đã nói rằng: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng … chúng ta là những người khốn khổ nhất trong mọi người.”(1Cr 15,14.19). Quả vậy, nếu Ngài không phục sinh, tôn giáo của chúng ta chỉ là một tôn giáo chết chóc, đức tin của chúng ta chẳng để làm gì. Nếu Ngài không phục sinh, cuộc sống của chúng ta cũng sẽ hệt như các môn đệ ngày xưa, quanh năm suốt tháng chỉ biết chôn chặt mình trong những nỗi sợ hãi khôn nguôi, không dám đối diện với ai, chỉ biết buồn phiền và chán nản. Nếu Đức Giêsu không phục sinh, ta chẳng có lý do gì để sống tha thứ yêu thương, ta chẳng ngu dại gì hy sinh hay dành phần hơn cho người khác, ta chẳng hơi đâu để nỗ lực sống theo luân thường đạo lý, khuôn vàng thước ngọc hay những bài học khôn ngoan.

Nhưng Đức Giêsu có thật sự phục sinh không? Mà “phục sinh” nghĩa là gì? Nó có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Các trình thuật Tin Mừng nói gì về nó?

Cuộc thương khó và cái chết của Đức Giêsu chắc chắn đã khiến cho các môn đệ tưởng rằng mọi sự đã kết thúc. Mọi hy vọng mà họ có nơi vị thầy đầy quyền năng của mình đã tiêu tan. Họ thậm chí còn không tin vào những gì vừa xảy đến với Thầy. Chỉ mới hôm trước, Thầy vẫn còn được người ta đón tiếp nồng hậu khi tiến vào thành Giêrusalem. Vậy mà chỉ trong thoáng chốc, mọi sự đã đảo lộn hoàn toàn. Thầy bị bắt, các môn đệ bỏ chạy hết. Họ sợ bị liên luỵ đến độ không dám nhận mình là môn đệ của Đức Giêsu. Mọi hy vọng, mọi tham vọng được “ngồi bên hữu bên tả” trong vinh quang bỗng vụt tắt. Tuy nhiên, đang khi các ông vì sợ hãi mà giam mình trong phòng tối thì có một tin lạ xảy đến. Các phụ nữ thuật lại với các ông là Đức Giêsu đã phục sinh. Buổi sáng ngày hôm ấy không chỉ là khởi đầu cho một ngày nhưng còn là khởi đầu cho một trang sử mới của cuộc đời các ông và cho cả Kitô giáo.

Nếu như các sách Tin Mừng đều có nét giống nhau khi tường thuật lời cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, thì liên quan đến câu chuyện phục sinh, ta lại thấy có rất nhiều điểm khác biệt. Cả bốn Tin Mừng đều thuật lại việc các phụ nữ đã ra mồ chôn Đức Giêsu vào sáng sớm. Nhưng Marco (16,1) và Luca (24,10) thì nói đến ba người phụ nữ (dù ba cái tên không giống nhau hoàn toàn) trong khi đó, Mathêu (28,1) nói rằng có hai, và Gioan thì phức tạp hơn, khi đi ra mộ thì chỉ nói đến một người (Ga 20,1) còn khi thuật lại cho các môn đệ thì lại dùng danh từ số nhiều (“chúng tôi không biết… Ga 20,2). Về động cơ đi ra mộ, Marco và Luca thì cho biết họ ra mộ để xức xác Chúa, trong khi Matthêu thì chỉ nói ra xem mộ. Marco cho biết, sau khi được cho biết là Chúa đã sống lại, các phụ nữ hoảng sợ và bỏ đi (16,8), còn Matthêu thì nói rằng họ chạy đi nói cho các môn đệ biết (28,8). Mt 28,2-5 cho biết có một thiên thần hiện đến báo tin, Marco (16,5) chỉ nói là một thanh niên ngồi ở vị trí để xác Chúa, còn Luca (24,3) và Gioan (20,11) thì nói đến hai thiên thần. Ngoài ra, chỉ có Tin Mừng Nhất Lãm là đề cập đến chuyện các thiên thần bảo các phụ nữ đi nói cho các môn đệ biết, trong khi tin mừng thứ tư thì chính Đức Giêsu phục sinh hiện ra với Maria Madalena, trò chuyện với bà, sau đó mới sai bà đi nói với các môn đệ.

Tin Mừng Marco được viết sớm nhất và được xem là nguồn để Matteo và Luca dựa vào đó mà viết Tin Mừng của mình. Theo các học giả Kinh Thánh, Tin Mừng Marco trong bản gốc không có đoạn 16,9-20, đoạn nói về việc Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ. Như thế, dưới cái nhìn nguyên thuỷ của Marco, thông tin về việc Đức Giêsu phục sinh đã khiến cho các phụ nữ vô cùng sợ hãi, đến độ chẳng nói gì với ai (Mc 16,8), và cuốn Tin Mừng của Marco kết thúc ở đây. Các Tin Mừng khác lần lượt thuật lại những gì diễn ra sau đó. Khi được các phụ nữ báo tin, các môn đệ cho rằng đó là điều vớ vẩn và không tin. Nhưng sau đó, theo Luca (24,12) thì Phêrô đã chạy ra mộ để kiểm chứng và trở về trong sự ngạc nhiên, còn Gioan thì cho biết ngoài Phêrô ra, còn có một môn đệ khác (Ga 20,3). Họ đã ra mộ nhưng không thấy Đức Giêsu phục sinh mà chỉ thấy “các băng vải và khăn che đầu” của Đức Giêsu (Ga 20, 6-7).

Đức Giêsu phục sinh đã chính thức hiện ra với các ông vào buổi chiều ngày hôm đó (Ga 20,19). Luca thì cho rằng trước khi hiện ra với các môn đệ, Đức Giêsu đã tỏ mình ra với hai môn đệ trên đường trở về Emmaus, đã trò chuyện với các ông nhưng hai ông không nhận ra Người cho đến khi Người bẻ bánh. (Lc 24,13-35). Gioan tiếp tục câu chuyện khi thuật lại rằng Đức Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi các cửa đều đóng kín, lần thứ nhất không có Toma (Ga 20,19-23) và lần thứ hai có Toma (Ga 20,24-29). Chương 21 của Tin Mừng Gioan thuật lại cho chúng ta một câu chuyện rất đẹp khi Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ tại biển hồ Galile sau một đêm họ đánh bắt cá thất bại. Có lẽ chứng nhân trong Kinh Thánh cuối cùng được diện kiến sự tỏ mình của Đức Giêsu phục sinh là Phaolo, khi ông đang trên đường đến Damat để bách hại các Kito hữu (Cv 9,1-9). Chính Phaolo cũng đã thuật lại các cuộc hiện ra của Đức Giêsu sau khi Ngài phục sinh trong thư gửi tín hữu Corinto: “Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ.” (1Cr 15,5-8). Tất cả những lần hiện ra này của Đức Giêsu hệt như một sự xác nhận cho những gì Đức Giêsu đã tiên báo trước khi bước vào cuộc khổ nạn: rồi ngày thứ ba, Con Người sẽ sống lại (Mc 8,31).

Nhưng có khi nào Đức Giêsu chỉ giả vờ chết rồi tỉnh dậy rồi bỏ trốn thì sao? Biết đâu Ngài chỉ ngất đi hoặc chết lâm sàn thôi thì sao? Hoặc có thể các môn đệ đánh cắp xác của Ngài, rồi tung tin Ngài đã phục sinh? Biết đâu chuyện hiện ra chỉ là ảo giác của các ông? 

Kinh Thánh không cho chúng ta câu trả lời, nhưng các nhà hộ giáo thì có. Các nhà hộ giáo nói gì?

(Còn tiếp)

(Phần hai: Phục sinh là gì? Làm sao biết Đức Giêsu đã phục sinh thật sự?)

 

(Pr. Lê HoàngNam, SJ, dongten.net 27.03.2016)

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*