Lời Chúa: Chúa Nhật tuần III Phục Sinh

Bình An

Chúa Nhật tuần III Phục Sinh
Lời Chúa: 

 Lc 24,35-48

35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo : “Bình an cho anh em !” 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói : “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : “Ở đây anh em có gì ăn không ?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
44 Rồi Người bảo : “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói : “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.
 
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
 

Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” (Lc 24,36)

 
Suy niệm: 
Anh chị em thân mến
 
Chúng ta lại vừa nghe một bài tường thuật nữa của Luca về biến cố Chúa Giêsu Phục Sinh.
Những việc xẩy ra trong ngày Chúa sống lại do thánh Luca chép, chẳng những đi theo diễn tiến thời gian mà cũng đi theo thứ tự luân lý nữa. Không có lập  luận nào giải thích ngôi mộ trống ngoại trừ sự sống lại, nhưng đoq chẳng qua cũng chỉ là một bằng chứng tiêu cực. Thêm vào đó Chúa Giêsu xuất hiện rõ ràng cho hai môn đệ trên đường Emmau, những bằng chứng ấy vẫn chưa đủ. Có thể có người cho rằng sự kiện ấy chỉ là một dị tượng, một bóng ma hay một vị thần nào đó. Bởi vậy khi Luca kể lại việc Chúa xuất hiện cho mười một tông đồ lúc đêm xuống, thì ông nhấn mạnh Chúa xuất hiện bằng thể xác của Ngài. Khi các môn đệ thấy Ngài thì họ tưởng mình thấy ma, hoặc là hồn của Ngài hiện về. Để đánh tan cảm tưởng sai lầm đó, Chúa Giêsu đã vận dụng mọi giác quan để chứng tỏ Ngài có một thân thể, không phải phi vật chất hay linh thiêng nhưng là một thân thể có xương có thịt, mà hôm thứ sáu đã bị đóng đinh vào thập giá và được đặt vào phần mộ. Chính là thân thể vật chất ấy với những dấu đinh độc ác, một thân thể có thể ăn được, một thân thể vật chất có thể đụng vào và cảm biết được, Ngài đã hiện ra cho các môn đệ. Hơn nữa Ngài trang nghiêm tuyên bố rằng Ngài không phải là thần linh không có thể xác. Ngài chỉ cho họ thấy những vết thương ở tay và chân. Ngài nói rằng thần linh không có xương thịt như họ thấy Ngài có. Rồi cuối cùng để đánh tan mối nghi ngờ còn sót lại, Ngài cầm lấy một miếng cá nướng và ăn trước mặt các môn đệ. Những lần Chúa Giêsu hiện ra và biến đi sau khi Ngài sống lại có thể là những phép lạ nhiệm mầu như khi Ngài đi trên mặt biển hồi còn ở trong chức vụ, nhưng Ngài đã ban cho các môn đệ Ngài mọi dấu hiện để hiểu, để tin. để cho họ biết rằng Ngài từkẻ chết sống lại trong một thân thể bằng xác thịt của con người.
Trong đoạn này có một số chân lý của Đạo được tỏ rõ:
1. Sự Phục Sinh
Chúa Giêsu xuất hiện không phải như một bóng ma, hoặc là một ảo tưởng của tâm trí. Đây là một sự thật: Đấng đã chết nay sống lại. Kitô giáo không xây dựng trên căn bản các giấc mơ của người hoại trí hay ảo ảnh của những người loạn thị. Kitô giáo được xây dựng trên những sự kiện thựctế của lịch sử, đối đầu và chiến thắng tử thần và cuối cùng phục sinh.   
2. Sự cần thiết của Thập giá.
Toàn bộ Kinh Thánh đều hướng về Thập giá. Thập giá không phải là biện pháp áp đặt lên Thiên Chúa, cũng không phải là giải pháp cuối cùng khi mọi kế hoạch khác đếu thất bại. Thập giá là chương trình định sẵn của Thiên Chúa. Thập giá là nơi duy nhất trên đất này cho ta thấy tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa.
3. Sứ mạnh khẩn cấp
Phải ra đi, kêu gọi mọi người ăn năn để tiếp nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa. Hội Thánh không thể ngồi yên tại phòng họp mãi mà phải ra đi. Phải lìa phòng họp mà nhận lấy sứ mạng của mình. Những ngày than vãn đã lùi vào quá khứ. Giờ đây, ta phải đem niềm vui mừng Phục sinh chia sẻ cho mọi người.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*