Đạo đức môi sinh: Tham luận của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm

“Đạo đức môi sinh” là chủ đề của bài tham luận do Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm trình bày trong buổi Hội luận Liên Tôn có chủ đề: “Hiệp hành chăm sóc môi sinh”, vào sáng thứ Năm ngày 23-5-2024, tại hội trường GB. Phạm Minh Mẫn, Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Khi nói đến đạo đức môi sinh là muốn nói đến cách ứng xử với trái đất, với môi trường mình đang ở đó; nó còn tùy thuộc vào cách nhìn về thế giới, trái đất, thiên nhiên, vũ trụ và con người. ĐGM Phêrô Nguyễn Khảm chia sẻ theo góc nhìn của Kitô giáo, tóm gọn trong 3 điều:

1. Trái đất, thiên nhiên và con người, vạn vật là công trình tạo dựng của Thiên Chúa và tất cả mọi sự đều tốt đẹp, trong đó, con người có vị trí đặc biệt, bởi vì con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và được Ngài trao trách nhiệm quản lý trái đất, cầy cấy và canh giữ đất đai (x. sách Sáng Thế Ký).

2. Theo giáo huấn Công giáo, tài nguyên của trái đất này thuộc về tất cả mọi người. “Thiên Chúa đã muốn đặt để trái đất cho mọi người và mọi dân tộc sử dụng, làm sao của cải được tạo ra phải phân phối cho tất cả mọi người một cách hợp lý, theo sự hướng dẫn của luật công bằng đi đôi với tình bác ái” (Hiến chế Mục vụ). Quyền tư hữu là chính đáng, nhưng nó còn phụ thuộc vào công ích và luật chung: “Của cải trái đất dành cho mọi người”.

3. Công ích, được hiểu là toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép các tập thể hay các phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo của mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn. Công ích ấy không chỉ nhắm cho chúng ta thế hệ này mà còn hướng tới cho cả thế hệ tương lai. Vậy chúng ta muốn để lại những gì cho thế hệ tương lai?

Từ đó, một số thái độ cần quan tâm:

– Đừng khai thác thiên nhiên quá mức; phải tôn trọng vạn vật là quà tặng của tình yêu Thiên Chúa.

– Phải vun trồng; đừng hủy diệt. Con người và thiên nhiên tương thuộc vào nhau; phải gìn giữ, chăm sóc thiên nhiên.

– Tài nguyên trái đất do Thiên Chúa ban tặng dành cho mọi người, vì vậy phải chia sẻ hơn là lạm dụng ích kỷ cho riêng mình.

Sau cùng, ĐGM Phêrô chia sẻ suy tư: “Những sa mạc bên ngoài đang gia tăng trên thế giới ngày nay là vì những sa mạc tâm hồn đang quá lớn. Như vậy, việc chăm sóc nội tâm – sao cho biết mở lòng ra với tha nhân, thiên nhiên, vạn vật – đó chẳng phải là nhiệm vụ chính yếu của các tôn giáo hay sao?”

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*