Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót
Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót
với việc Tân Phúc-Âm-hóa Đời sống xã hội
Đề tài 3. Phẩm giá con người do Lòng Thương Xót
“Mọi sự của cha đều là của con” (Lc 15,32)
Bước vào Mùa Chay, chúng ta hãy cùng nhau suy niệm về phẩm giá làm con Chúa bởi ân sủng vô điều kiện của Tình Thương – Lòng Thương Xót của Chúa.
1. Tội lỗi làm mất phẩm giá làm con Thiên Chúa
“Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói” (Lc 15,17)
Con người là thọ tạo được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1, 27) Tình Yêu, là Cha, Con, và Thánh Thần. Con người (ađam) được tạo dựng từ đất (ađamah) và có sự sống nhờ được thần khí (ruah) Thiên Chúa linh hứng. Nhưng ngay từ đầu dòng lịch sử, con người đầu tiên đã nghe lời dụ dỗ của thần dữ mà phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa, tự do bị lạm dụng vì giả trá đã thay thế sự thật. Từ đó, “là bụi đất người phải trở về với bụi đất”. Mọi người từ đó sinh ra đời để chết (Sein zum Tode – M. Heidegger). Tội lỗi thâm nhập trần gian, con người và toàn thể loài người phải chết.
Tình cảnh đó phản chiếu qua hình ảnh “người con hoang đàng” của dụ ngôn Lc 15, 11-32. Khi xin cha chia phần gia sản để đi xa, người con tội lỗi ấy đã không ý thức được sự mất phẩm giá làm con. Chỉ sau khi tiêu tán hết gia tài rơi vào tình cảnh cùng cực đói khổ, người con tội lỗi đó mới tự nhận ra: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói” (c.17). Dưới bề mặt những lời nói này, người ấy tự đo lường theo mức độ những của cải mình đã mất, ẩn khuất bi kịch phẩm giá đã đánh mất, người ấy le lói ý thức tư cách làm con của mình đã hỏng. “Theo một nghĩa nào đó, người con này là con người mọi thời đại, kể từ người đầu tiên đã làm mất gia tài ân sủng và sự công chính nguyên thủy”[1]. Tội lỗi đã làm con người mất phẩm giá làm con Thiên Chúa.
2. Ơn tha thứ trả lại cho ta phẩm giá làm con Thiên Chúa
“Vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay tìm lại được” (Lc 15, 32)
Nhưng Tình yêu, vốn là bản thể của Thiên Chúa, bày tỏ ra bởi Lòng Thương Xót, ngay lập tức tiến hành kế hoạch nhập thể cứu độ. Đến thời viên mãn, Con Thiên Chúa đã sinh hạ làm con một người phụ nữ Do thái, đã đến trần gian mạc khải Dung mạo của Lòng Thương Xót (Misericordiae Vultus) qua chính cuộc sống, qua lời nói và hành động, cái Chết và sự Phục sinh của Người. Người Con Một ấy, vì “loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”, đã không được miễn chước khỏi đau khổ khủng khiếp của Thập Giá. Tất cả chiều sâu của mầu nhiệm Thập giá và chiều kích thần linh của thực tại cứu chuộc được bày tỏ qua lời thánh Phaolô: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2Cr 5,21).
Thánh Gioan Phaolô dạy, vì tội lỗi có trong thế gian này, mà “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban người Con Một” (Ga 3,16), cho nên “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8.16) chỉ có thể tự mạc khải là lòng thương xót mà thôi. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là vô cùng vô tận. Như vậy, sự mau mắn sẵn sàng của Chúa Cha cũng vô cùng vô tận để đón nhận những người con hoang đàng trở về nhà. Sự mau mắn và quyền năng của ơn tha thứ không ngừng tuôn trào từ của lễ hi sinh vô giá của Chúa Con cũng vô cùng vô tận. Không tội lỗi nào của con người trổi vượt hơn quyền năng này và giới hạn lại quyền năng này. Ơn tha thứ này chỉ bị giới hạn từ phía con người thiếu thiện chí, không sẵn sàng sám hối, tức là ngoan cố thường xuyên chống lại ân sủng và chân lý, đặc biệt khi đứng trước Thập giá và sự Phục sinh của Đức Kitô.[2]
Sự ăn năn sám hối của tội nhân dù “không trọn” (như “người con hoang đàng” trở về nhà cha chỉ vì để giải quyết cái đói cùng cực) nhưng ý thức mình không xứng đáng và mất quyền làm con, ý thức đầy đủ về lẽ công bình mình đáng chịu những hậu quả do mình gây ra, lại được bảo đảm bởi Tình thương biến thành lòng thương xót của Chúa Cha. Người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng mạc khải Thiên Chúa là Cha, trung thành với tư cách làm cha, trung thành với tình thương tràn trề luôn dành cho con. Chúa Cha vui, cả thiên đàng vui, ăn khao thật hào phóng để mừng kẻ hoang đàng trở về “vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay tìm lại được” (Lc 15, 32). Con người tội nhân sám hối được tha thứ được trả lại phẩm giá làm con.
3. Hội Thánh làm chứng cho phẩm giá con người trong thế giới
“‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi tặng ban Con Một của mình” (Ga 3,16)
Trong khi loan báo Tin mừng cứu chuộc do Lòng Thương Xót của Chúa, Hội Thánh làm chứng cho phẩm giá ấy của con người, vừa thuộc bình diện tạo dựng (theo hình ảnh Thiên Chúa – imago Dei) vừa thuộc bình diện cứu chuộc (“đã mất nay tìm lại được” nhờ ân sủng Đức Giêsu Kitô). Trung thành với sứ mạng ấy, Hội Thánh dạy rằng: “Ơn cứu chuộc do Đức Kitô mang lại và được giao cho sứ mạng cứu độ của Giáo Hội chắc hẳn thuộc trật tự siêu nhiên. Xác định chiều hướng này không phải là đặt giới hạn cho ơn cứu độ, nhưng đúng hơn là muốn diễn tả ơn cứu độ một cách toàn diện. Không được hiểu siêu nhiên như một thực thể hay một địa điểm khởi đi từ nơi mà tự nhiên kết thúc, nhưng phải hiểu siêu nhiên là nâng tự nhiên lên một bình diện cao hơn. Nếu thế thì không có gì thuộc về trật tự tạo thành hay nhân loại mà xa lạ hay bị loại khỏi trật tự siêu nhiên hay trật tự thần học của đức tin và ân sủng, trái lại, tất cả đều tìm thấy trong trật tự này, đều được đảm nhận và nâng cao. “Trong Đức Giêsu Kitô, thế giới hữu hình do Chúa tạo thành cho con người (x. St 1,26-30) – thế giới ‘đã bị rơi vào tình trạng phù phiếm’ kể từ khi có tội xâm nhập vào (Rm 8,20; x. Rm 8,19-22) – đã lấy lại mối liên hệ nguyên thuỷ của mình với nguồn mạch Khôn Ngoan và Yêu Thương là Thiên Chúa. Thật vậy, ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi tặng ban Con Một của mình’ (Ga 3,16). Mối liên hệ này đã bị phá vỡ trong con người Ađam, nay được hàn gắn lại trong con người Đức Kitô (x. Rm 5,12-21)”[3].
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận
1. Xin anh chị nếu có thể chia sẻ với cộng đoàn nhỏ của mình một kinh nghiệm nhận được ơn tha thứ và cảm nghiệm về phẩm giá tìm lại được của người con được Thiên Chúa yêu thương.
2. Đâu là ý nghĩa và sự tự do do Tin mừng Chúa Giêsu Kitô mang lại cho con người, cho xã hội?
3. Cộng đoàn hay giáo xứ của anh chị có hiển lộ cho môi trường xã hội (qua phụng tự, qua huấn giáo, dấn thân trong nghề nghiệp, bác ái xã hội…) như một cộng đoàn của Lòng Thương Xót của Chúa không?
–––––––––––––––––––––––––––––––––
[1] Th. Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia, 5.
[2] Ibid., 13.
[3] HTXHCG, 63.
Văn Phòng HĐGMVN
Để lại một phản hồi