Thánh Athanasiô sinh khoảng năm 295 có lẽ tại Alexandria. Gia đình Ngài rõ ràng là khá giả vì sau này Ngài có dịp trốn ở phần mộ của gia đình, Ngài đã theo môn cổ học và sau này thường trích dẫn các tác giả cổ. Có lẽ Ngài cùng theo học tại một trường Giáo lý ở Caêsarêa nên tư tưởng của Ngài thấm nhuần Kinh thánh, cả những chú giải Kinh thánh và cũng theo truyền thống các giáo phụ nữa.
Vào khoảng 25 tuổi Athanasiô đã có một thời sống với thánh Antôn ẩn tu. Bốn mươi năm sau, Ngài đã mời thánh An tôn ẩn tu về Alexandria để góp phần bảo vệ đức tin. Khi qua đời thánh ẩn tu đã nhường lại cho Athanasiô cái áo choàng Ngài vẫn dùng đắp mình khi ngủ và tấm da chiên để dùng sưởi ấm lúc tuổi già. Những năm chung sống nơi sa mạc với vị thánh ẩn tu này đã tạo nên nét thánh thiện và nhân cách của Athanasiô.
Vào năm 320, Athanasiô mới bắt đầu góp phần vào lịch sử. Khi ấy Đức Cha Alexander Giám mục Alexandria cảm phục và triều vời Athanasiô từ sa mạc về, đặt làm phó tế. Khi ấy Ariô là cha sở Boucalis. Ông ta là một nhà giảng thuyết danh tiếng, có một cuộc sống khắc khổ và hướng dẫn các trinh nữ hiến mình cho Thiên Chúa. Ariô đã sáng nghĩ và rao giảng những ý tưởng lầm lạc cho rằng: “Ngôi Lời Thiên Chúa không có từ đời đời, không cùng bản tính với Chúa Cha mà chỉ là một thụ tạo được mang danh hiệu Con Thiên Chúa”. Athanasiô đã bảo bỏ những sai lầm này. Bút pháp và nội dung của bức thông điệp Đức Giám mục Alexander ban hành năm 322 cho thấy tác giả chính là Athanasiô.
Tại công đồng Nicea, thánh Athanassiô tháp tùng Đức Giám mục Alaxander và đã góp phần vào bản văn chung quyết của cộng đồng, trong đó định tín rằng: Chúa Con đồng bản tính với Chúa Cha. Ngài đã trở thành mục tiêu cho bọn lạc giáo ghen ghét.
Mùa hạ năm 328, Đức Giám mục Alexander qua đời và đặt Athanasiô lên kế vị. Nhận thấy mình bất xứng, Athanasiô đã bỏ trốn, nhưng rồi bị ép buộc lãnh nhận trách nhiệm. Ngài đã tỏ ra có nhân cách khôn sánh, có ý chí bất khuất và rất thông minh. Rảo quanh khắp giáo phận rộng lớn, Ngài gặp thánh Dachômiô từ trong sa mạc, là Đấng đã nghe Chúa nói với mình rằng: – Ta đã đặt Athanasiô làm cột trụ Giáo hội, nhưng Ngài sẽ bị đau khổ nhiều.
Nhưng Athanasiô không sợ đau khổ. Nhiều lần Ngài đã bị trục xuất khỏi giáo phận. Trước hết, dưới ảnh hưởng của những người theo phái Ariô, năm 335 thánh Athanasiô bị vua Constantinô đầy đi Trier ở biên thùy nước Đức. Tại đây Ngài trước tác một số tác phẩm nay vẫn còn danh tiếng.
Nhưng rồi năm sau. Ariô chết cách khốn khổ. Vua Constantinô cho thánh nhân được trở về giáo phận, Ngài chỉ trở lại hai năm sau tức năm 337 khi thấy nhà vua mới Constance ngả về phía lạc giáo. Cuộc trở về của thánh nhân diễn ra như một cuộc khải hoàn. Tuy nhiên từ năm 337 đến năm 366, cuộc đời Ngài là một cuộc chiến đấu liên tục với nhóm người ngả theo Ariô có, bảo thủ có, buông thả để an phận có. Chính hoàng đế cũng muốn can thiệp để sửa đổi giáo thuyết Hội Thánh khiến các thù địch tỏ ra độc ác và tìm cách tiêu diệt vị giám mục. Lần kia đang lúc thánh Athanasiô dâng lễ, bọn lính xâm nhập thánh đường. Thánh nhân trốn thoát được và ẩn mình trong sa mạc. Sợ những người chứa chấp bị liên lụy Ngài ẩn mình trong một hang đá. Và không ngừng trung thành với đức tin chân chính.
Hoàng đế Constance qua đời, Juliano người sẽ mang biệt danh là kẻ bội giáo, lên kế vị và cho phép những kẻ lưu đày trở về. Đức Giám mục Athanasiô trở lại giáo phận và thiết lập trật tự trong giáo đoàn cũng như lo truyền bá đức tin sang Ethiopie và Ả Rập.
Ngài chống lại các mê tín dị đoan khiến các lương dân tức giận. Họ quyết sát hại thánh nhân. Lần này, Ngài lại phải chạy trốn theo lệnh của nhà vua, bội giáo chèo thuyền dọc sông Nil, Ngài bị quân lính đuổi theo sát nút. Nguy ngập Ngài quay thuyền lại để gặp họ. Bọn lính hung hăng hỏi thăm xem còn cách vị giám mục bao xa. Ngài trả lời : – Chèo mạnh lên, ông không ở xa đâu.
Bọn lính vội vã làm theo và thánh nhân thoát nạn, Ngài lang thang đây đó cho tới khi Vua Julianô qua đời, vào năm sau. Jovianô, vị tân hoàng đế rất kính phục đức giám mục và thích đàm luận với Ngài. Nhưng triều đại của ông lại quá vắn vỏi. Khi Valens lên nắm quyền cai trị, lại một cuộc bách hại mới mở ra. Một lần nữa thánh Athanasiô lại phải trốn đi. Trong bốn tháng liền, Ngài ẩn mình trong phần mộ của gia đình.
Sau cùng Valens vì hiểu được lòng kính phục của dân Ai cập đối với vị giám mục của họ, và không muốn xa rời dân chúng nên chịu cho Ngài trở về. Những năm cuối đời, thánh nhân được sống trong yên ổn phần nào, bởi vì lúc ấy cuộc tranh chấp thực sự chưa ngã ngũ, Ngài qua đời ngày 02 tháng 5 năm 373. Phải đợi năm năm sau, cuộc tranh luận của cộng đồng Nicêa mới toàn thắng với cái chết của Valens.
Thánh Athanasiô đã viết những tác phẩm vĩ đại nhất trong 30 năm xáo trộn. Cuốn Uncarnatione Verbi hoàn thành năm 337, cuốn Virginitate và Orationes khoảng năm 357, cuốn Contra Arianô có thể sau năm 362. Ngài đã viết rất nhiều và mọi tư tưởng Ngài cũng như cuộc sống Ngài tập trung vào hai ý niệm: Chúa Con là sự bày tỏ của Chúa Cha, và Giáo hội là sự bày tỏ của Chúa Con. Giáo hội Tây phương kính nhớ Ngài như thánh tiến sĩ Chúa Ba Ngôi, nhưng trước hết, Ngài là Thánh Tiến sĩ về mầu nhiệm nhập thể và về Ơn thánh.
Để lại một phản hồi