Thánh lễ Misa (Tạ ơn) quan trọng và cần thiết ra sao?

Hỏi : xin giải đáp hai điều sau đây: 1.Sự quan trong và cần thiết của Thánh Lễ Misa 2.Linh mục bất xứng cử hành Thánh Lễ có thành sự không ?

Trả lời :

1.
Trong Phụng vụ Thánh ( Sacred Liturgy) của Giáo Hội, thì Thánh ễ Tạ Ơn ( Eucharist) là việc cao trọng nhất, có giá trị tiêng liêng cao nhất, cho  nên Thánh Công Đồng Vaticano II đã gọi Thánh lễ là “ nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô Giáo” (x. Lumen Gentium số 11)’ 

Sở dĩ thế, vì Thánh Lễ trước hết là việc diễn lại qua nghi thức phụng vụ Bữa ăn sau hết của Chúa Kitô với Nhóm Mười hai Tông Đồ trước khi Chúa nộp mình cho những kẻ thù nghịch đến bắt bớ, mượn cớ Giuda đã bán Chúa cho họ với giá 30 đồng bạc.Trong Bữa ăn lịch sử này, Chúa Kitô đã thiết lập hai Haí Tích rất quan trong:  đó là Bí Tích Thánh Thể và  Bí Tích Truyền Chức Thánh, để “anh  em làm việc này mà nhớ đến Thầy.”  ( Lc 22: 20; 1Cor 11:25).

Làm việc này để nhớ đến Thầy có nghĩa tiếp tục  cử hành Bữa ăn của Chúa để có Thánh Thể làm của ăn nuôi linh hồn chúng ta  trong cuộc lữ hành tiến về quê trời.

Hơn thế nữa, Thánh Lễ Tạ Ơn cũng đồng thời diễn lại cách bí tích Hy Tế thập giá Chúa Kitô  đã một lần dâng trên thập giá cách nay trên hai ngàn năm để xin Chúa Cha tha tội cho toàn thể nhân loại đáng phải phạt vì tội. Hy Tế này thật vô cùng quan trọng vì nếu không có,  thì tuyệt đối không ai có thể được cứu độ để vào Nước Trời hưởng phúc Thiên Đàng với Chúa, sau khi phải chết đi trong thân xác có ngày phải chết đi này.

Nói rõ hơn Thánh Lễ Tạ Ơn không phải là hành động phung vụ nhằm kỷ niệm một biến cố nào xảy ra trong quá khứ, mà mục đích là diễn lại cách bí tích Hy Tế thập giá  của Chúa Kitô trên bàn thờ ngày nay  để xin ơn tha tôi và cứu độ cho chúng ta bây giờ  cũng thể thức và mục  đích của Hy Tế thập giá Chúa Kitô đã  một lần dâng lên Chúa Cha trên thập giá năm xưa để xin ơn cứu độ cho con người khi ấy, và “ mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó Chúa Kitô, Chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế ( 1 Cor 5:7) thì công cuộc cứu chuộc  chúng  ta được thực hiện.( LG số 3)

Từ trên hai ngàn năm nay, Chúa Kitô, qua tác vụ của Giáo Hội, vẫn liên tục dâng hy tế cứu độ của Người lên Chúa Cha mỗi khi Thánh Lễ Misa được dâng trên bàn thờ ở khắp nơi trong Giáo Hội ngày nay, để xin ơn tha thứ và cứu độ  cho nhân loại hôm nay  cũng thể thức và mục đích của Hy Tế Chúa dâng trên thập giá năm xưa. Chỉ khác ở chỗ là xưa trên thập giá, Chúa Kitô là Linh mục, là bàn thờ và là của Lễ là chính máu Người thực sự  đổ  ra cũng với mọi khổ nạn Người đang chịu  làm của lễ dâng lên Chúa Cha để  xin ơn cứu độ cho con người khi ấy. Nay trên bàn thờ Chúa Kitô  hiện diện cách bí tích  và dùng  miệng và tay thừa tác viên con người là linh mục và Giám mục để dâng lại Hy Tế   cũng đổ máu  nhưng cách bí tích cho cùng mục đích mà Người đã đổ máu thực sự một lần trên Thập giá xưa kia.

Cho nên, Thánh Lễ trở nên phương tiện cứu độ hữu hiệu nhất mà Giáo Hội cử hành để vừa diễn lại Bữa Ăn của Chúa và nhất là Hy tế đền tội của Chúa  để mưu ích cho phần rỗi của mọi người tín hữu chúng ta. Chính vì tầm quan trọng này mà Thánh Lễ trở nên suối nguồn và là đỉnh cao của đời sống Kitô Giáo nói chung và của Giáo Hội nói riêng. (x.LG số 3) Nghĩa là không có việc đạo đức , hay cử hành phụng vụ nào có giá trị thiêng liêng cao hơn và đẹp  lòng Thiên Chúa Cha hơn Thánh Lễ Tạ Ơn, vì đây là hy tế đền tội và cảm tạ  đẹp  lòng Chúa  Cha hơn hết mà  Chúa Kitô đã một lần dâng trên Thập giá  khi xưa và tiếp tục ngày nay trên bàn thờ ở khắp mọi nơi trong Giáo Hội.

Do đó, thật  vô cùng cần thiết cho mọi người tín hữu chúng ta  tham dự -hay hiệp dâng Thánh Lễ, nếu không được mỗi ngày thì ít nhất cũng phải tham dự Lễ ngày Chúa nhật  và các ngày lễ trọng quanh năm. Vô cùng cần thiết vì khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta được thông phần sự sống của Chúa Kitô qua việc ăn và uống mình máu Người hiện diện thực sự  dưới  hai hình bánh và rượu, là thần lương nuôi linh hồn chúng ta trong cuộc lữ hành về Nhà Cha trên  trời.

Hơn thế nữa, mỗi lần tham dự -hay hiệp dâng Thánh Lễ, chúng ta được lãnh nhận ơn cứu độ của Chúa Kitô khi ta hiệp dâng hồn xác với mọi vui buồn sướng khổ  của mình cùng với Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha để xin ơn tha thứ và cứu độ của Chúa Cha nhờ Chúa Kitô, Đấng “đã hy sinh mạng sống  mình làm giá chuộc cho muôn người.” ( Mt 20:28)

Nếu không có công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô, một lần chịu đóng đanh và  dâng  mọi khổ nạn lên Chúa  Cha để  đền tội thay cho cả loài người, thì tuyệt đối không ai có thể làm được điều gì đáng được cứu độ. Cho nên, hiệp thông với  Chúa khi Người dâng lại Hy Tế thập  giá xưa trên bàn thờ  hôm  nay ,  là tối cần thiết cho những ai muốn hưởng nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa để vào Nước Trời ngay bây giờ, nếu Chúa gọi ai ra đi trong lúc này. Như thế, mọi người có niềm tin  đều được mời gọi chuẩn bị cách hữu hiệu và thiết thực nhất  cho sự ra đi  không biết ngày giờ nào của mình, là siêng năng tham dự Thánh Lễ để hiệp thông với Chúa Kitô khi Người dâng lại Hy Tế đền tội trên bàn thờ  mỗi ngày để xin ơn tha thứ và cứu độ cho những ai thành tâm muốn hưởng nhờ công nghiệp này mà vào Thiên Quốc hưởng phúc Thiên Đàng với các Thánh và các Thiên Thần đang hưởng Thánh Nhan Chúa. 

Tóm lại, Thánh Lễ Tạ Ơn quả thật là suối nguồn ơn cứu độ cho mọi người tín hữu chúng ta trong Giáo Hội, là hiền thê của Chúa Kitô và là Mẹ đang dẫn dắt con cái mình  là  mọi người tín hữu chúng ta  về nhà Cha, “Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” ( 1 Tm 2 :4)

2.
Về câu hỏi thứ 2, xin được trả lời như sau:

Trước hết, xin hỏi lại :  căn cứ vào đâu mà biết linh mục nào bất xứng ? Chỉ có Chúa  mới biết và phán đoán chính xác về mọi người mà thôi. Chúng ta không nên phán đoán ai về bất cứ điều gì, vì Chúa Giêsu đã dạy : “ anh  em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh  em xét đoán thế nào thì anh   em cũng bi xét đoán  như vậy..” ( Mt 7: 1)  

Tiếp đến, liên quan đến nội dung cầu hỏi về sự thành sự ( validity) của Thánh Lễ, xin được trả lời như sau:.

Trước hết phải nói ngay là chỉ có linh mục và giám mục  được phép cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn mà thôi. Ai không có chức linh mục thực sự, nghĩa là không  được truyền chức hữu hiệu (invalidly ordained, như  các linh mục Anh giáo và Tin Lành), thì không thể cử hành thành sự Thánh Lễ được. Phải nói rõ điều nay vì trước đây, nghe nói ở một địa phương  kia, có người đã mạo danh là linh muc để làm lễ cho một công đoàn trong nhiều năm, và sau đó, đã bỏ trốn khi bị khám phá là linh mục giả. Trong trường hợp này linh  mục giả kia đương nhiện bị vạ tuyệt thông tiền kết và mọi bí tích ông này làm đều vô hiệu (invalid) vì không có chức linh mục hữu hiệu.( x giáo luật số 1378 & 2) )

Như vậy, nếu là linh mục thực sự thì mọi bí tích cử hành, như Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể, giải tội, sức dầu bệnh nhân,  đều thành sự (validly).

Nhưng  nếu linh mục nào bị giám mục của mình tạm thời  hay vĩnh viễn rút hết năng quyền ( priestly faculties) – hay nôm na gọi là bị treo chén,  thì không đươc cử hành bất cứ bí tích nào ở đâu cho đến khi năng quyền trên được trao lại.

Nếu linh mục nào bị dư luân coi là “bất xứng” ( thí dụ lén lút có vợ con mà vẫn dâng lễ..) thì khi dâng lễ sẽ mắc tội phạm thánh ( sacrilege) nhưng Thánh Lễ vẫn thành sự, vì lý do “ Ex Opera Operato”, nghĩa là Thánh lễ hay bí tích  thành sự vì người cử hành có chức linh mục và cử hành đúng  theo qui đinh  phụng vụ  của Giáo Hôi, chứ không vì phẩm chất của người cử hành. Dầu vậy,  giáo luật và giáo lý của Giáo Hội cũng qui định rằng : ai đang mắc tội trọng thì không được làm lễ nếu là linh  mục và rước lễ nếu là giáo dân. ( x giáo luật số 916, SGGHCG số 1415)

Như thế, giáo dân cứ an tâm tham dự Thánh Lễ hay xưng tội với bất cứ linh mục nào đang có năng quyền thi hành các tác vụ này, và bỏ ngoài tai những lời dị nghị về linh mục này, linh mục kia.

Xin nhắc lại một lần nữa  là khi linh mục, hay giám mục, và ngay cả Đức Thánh Cha dâng Lễ thì chính Chúa Giêsu là Chủ Tế, còn  các thừa tác viên con người chỉ đóng vai phụ tế mà thôi. Cho nên sự hữu hiệu của Thánh Lễ không liên quan gì đến phẩm chất của linh mục, giám mục hay Đức Thánh Cha, mặc dù dưới con mắt người đời thì xem  ra có sự khác biệt lớn giữa các thừa tác viên này.Thật ra, chỉ có sự khác biệt về chức vụ, trách nhiệm và vai trò trong Giáo Hội, nhưng cùng được chia sẻ Chức Linh Mục đời đời của Chúa Kitô, là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.” ( Dt 5: 10)

Tóm lại, Thánh Lễ Tạ Ơn là sối nguồn ơn cứu độ và là phương tiện nuôi sống linh hồn chúng ta, nhờ được ăn thịt và uống máu Chúa Kitô để được sống đời đời như Chúa đã hứa. ( Ga 6:54)

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*