Ngày 12 tháng 06 năm 2016
PHÚC ÂM: Lc 7, 36 – 8, 3
“Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều”.
Suy niệm
Một người bị gọi là tội lỗi và một người được gọi là thánh thiện đứng trước Chúa Giêsu, cho dù được người đời “định nghĩa” thế nào đi nữa, thì Chúa Giêsu vẫn nhìn con người đó trong hiện tại của họ. Ngài đọc ra từng chi tiết và ghi nhận hành vi yêu thương chân thật của người phụ nữ bị gọi là tội lỗi: đến đến chiếc bình bạch ngọc đựng dầu thơm, đứng ở đàng sau, khóc, tưới ướt chân Ngài bằng nước mắt, lấy tóc lau, hôn chân Ngài, đổ dầu thơm lên. Ngược lại, ông Simon thì không. Với ánh nhìn như thế, Chúa Giêsu nói lên rằng cách nhìn của Thiên Chúa khác xa con người. Ngài nhìn từ bên trong.
Thiên Chúa yêu thương con người từ tấm lòng thành của họ, và Ngài yêu thương con người khi họ còn là một tội nhân. Tình yêu nhỏ nhoi của con người được chìm ngập trong tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, và tha thứ là định nghĩa tận căn của yêu thương. Thiên Chúa yêu thương con người, và tình yêu ấy có tên gọi là tha thứ. Về phía con người, họ cảm nhận được tình yêu dựa trên mức độ được tha thứ. Người được tha nhiều sẽ yêu nhiều hơn. Và đó chính là động lực để họ vượt qua tội lỗi và thay đổi bản thân.
Sứ điệp
Lòng tha thứ đã cho người ta thoáng thấy một thế giới khác: thế giới sự sống không bạo lực của tình yêu. Đối với chúng ta, không ít lần con tim nặng trĩu dưới sức đè nặng của thù hận, của tổn thương do bị xúc phạm. Tha thứ là phương tiện hữu hiệu nhất để lấy đi khỏi tâm hồn chúng ta sức nặng không thể chịu nổi khi đứng trước kẻ xúc phạm ta. Sự tha thứ luôn là một cái gì đó nhưng không, cho không, biếu không. Nhưng tha thứ không thực sự dễ dàng vì nó đâu chỉ là sự bỏ qua không màng đến mà là lời công bố: “Bạn đã làm điều xấu cho tôi, bạn đã làm tổn thương tôi, nhưng không phải vì thế mà tôi không thương bạn nữa.” Tha thứ là tình yêu thật, là một hành vi anh hùng nối kết giữa nhân tính và thần tính. Trong một bối cảnh ngập tràn bạo lực, hận thù thì sự tha thứ là bài học mà mỗi người chúng ta phải cố học cho được. Chỉ có lòng xót thương mới có thể làm thay đổi thế giới và con người hôm nay. Đây chẳng phải là sự cống hiến đắt giá mà Ki-tô hữu có thể đem lại cho đời sao?
Nguồn: Tin Mừng Chúa Nhật số 07 (06.2016)
Xem Video clip
Thánh Kinh bằng tiếng Việt
Thánh Kinh bằng tiếng Anh
Để lại một phản hồi