Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma
Hỏi: Tôi đã thấy một số người đeo chuỗi Mân Côi vào cổ như một sợi dây chuyền, và trong thực tế, một nữ học sinh lớp năm hỏi tôi liệu việc đeo chuỗi Mân Côi như thế là có tội không. Tôi trả lời với học sinh ấy rằng tôi không tin rằng đó là một tội tự thân (per se), nhưng vì chuỗi là một lời cầu nguyện tuyệt vời và được ưa chuộng nhất của Đức Mẹ, nên tôi nghĩ rằng việc ấy là thiếu kính trọng, không kính cẩn (không phân biệt là chuỗi đã được làm phép hay chưa). Học sinh ấy liền hỏi về vòng chuỗi 10 hạt đeo ở tay của tôi: “Còn việc đeo vòng chuỗi 10 hạt này thì sao, thưa cô?”. Đó là một câu hỏi hay, trong ánh sáng của Thánh giá và chuỗi Mân Côi, hoặc vòng chuỗi 10 hạt, dường như có mặt ở khắp nơi trong những ngày này, như là đồ trang sức thời trang. Thưa cha, tôi nên trả lời thế nào với cô bé? – J. M., Leavenworth, Kansas. Mỹ.
Đáp: Sự tương đồng gần nhất với một qui định về đề tài này được tìm thấy tại Điều 1171 của Bộ Giáo Luật. Mời đọc: “Các đồ vật đã được cung hiến hay làm phép để dùng vào việc phụng tự phải được sử dụng cách kính cẩn, không được dùng vào việc phàm tục hay bất xứng, cho dù những vật thánh ấy thuộc sở hữu của tư nhân” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).
Rất có thể rằng luật này không hoàn toàn áp dụng cho trường hợp của chúng ta, vì nó đề cập chủ yếu đến các vật thánh dành cho phụng vụ, như chén lễ và lễ phục, hơn là tràng chuỗi. Nhưng đồng thời, sự gợi ý để sử dụng các vật thánh với sự kính trọng và kính cẩn như thế, có thể được mở rộng một cách hợp lý cho tràng chuỗi, thánh giá, huy chương và các vật tương tự.
Ngoài ra, việc đeo một đồ vật thánh là không giống như cách sử dụng nó một cách thế tục hoặc không phù hợp. Trong thực tế, tu sĩ nhiều Dòng tu đeo chuỗi Mân Côi như một phần của bộ áo Dòng của họ, thường đeo từ dây lưng. Cũng có nhiều trường hợp lịch sử là giáo dân đeo chuỗi Mân Côi cho các mục đích đạo đức. Thí dụ, trong cuốn sách “Bí mật của Kinh Mân Côi”, Thánh Louis de Montfort minh họa các kết quả tích cực của việc mang chuỗi Mân Côi, trong một tập phim về cuộc đời của vua Alfonso VI xứ Galicia và Leon.
Tôi nghĩ rằng chìa khóa để trả lời câu hỏi này có thể được tìm thấy trong thư Thánh Phaolô: “Vì vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10:31, Bản dịch Việt ngữ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Nói cách khác, không nên có các hành động thờ ơ hoặc không thích hợp trong cuộc sống của một Kitô hữu.
Nếu lý do đeo chuỗi Mân Côi là như một tuyên xưng đức tin, như một lời nhắc nhở để lần chuỗi, hoặc vì lý do tương tự “để tôn vinh Thiên Chúa”, thì không có gì để phản đối. Nhưng sẽ là bất kính khi đeo chuỗi như là đơn thuần đồ trang sức.
Đây là điều cần nhớ kỹ trong trường hợp đeo một chuỗi Mân côi quanh cổ. Trước hết, trong khi chưa được rõ, nó không phải là một thực hành chung của người Công Giáo.
Thứ hai, trong thời gian gần đây, một số nghệ sĩ công chúng tên tuổi đã phổ biến thời trang đeo chuỗi Mân Côi quanh cổ, và không chính xác là “làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa”. Và đã xuất hiện trong một số miền của Mỹ và các nơi khác, việc đeo chuỗi quanh cổ đã trở thành một huy hiệu băng đảng liên quan đến sự nhận dạng thành viên.
Do đó, trong khi một người Công Giáo có thể đeo chuỗi Mân Côi quanh cổ vì một mục đích tốt, người ấy nên xem xét liệu sự thực hành này sẽ được hiểu một cách tích cực chăng, trong bối cảnh văn hóa của mình. Nếu bất kỳ sự hiểu lầm là có khả năng xảy ra, thì tốt hơn là nên tránh sự thực hành ấy.
Đồng thời, là người Công Giáo, chúng ta nên cho rằng ý định của người đeo chuỗi Mân Côi là tốt đẹp, trừ ra khi các yếu tố bên ngoài muốn nói đến việc khác.
Lý luận tương tự cũng được nhận xét với việc mang vòng chuỗi 10 hạt và nhẫn hạt, mặc dù trong trường hợp này có ít nguy cơ nhầm lẫn ý nghĩa. Chúng không bao giờ là đồ trang sức thuần túy, nhưng được đeo như một dấu hiệu của đức tin.
Theo một số nguồn, chuỗi 10 hạt hoặc nhẫn hạt đã được sử dụng trong thời gian bách hại, vì chúng dễ dàng được che giấu, và có thể được sử dụng, mà không thu hút sự chú ý không mong muốn.
Chúng cũng trở nên phổ biến nơi các binh lính Công Giáo ở tiền tuyến, đặc biệt trong Chiến tranh thế giới thứ I.
Quan trọng hơn nhiều so với việc đeo chuỗi Mân Côi, là thực sự dùng chuỗi, kể cả công khai, để lần chuỗi và cầu nguyện. Như thế, nó thực sự được làm “để tôn vinh Thiên Chúa.”
Sau bài trả lời trên, một độc giả, hiện là một nhà truyền giáo giáo dân ở Honduras, cung cấp thêm nhận xét sau đây:
“Theo kinh nghiệm của tôi ở El Salvador và Honduras, không phải là lạ khi nhìn thấy đàn ông và cả đàn bà đeo tràng chuỗi quanh cổ. Các tràng hạt này thường rất rẻ tiền, bằng nhựa hoặc gỗ. Người đeo chúng phần lớn là người nghèo, và đa số họ có một đức tin mạnh mẽ. Mặc dù điều này có thể là không phổ biến ở Mỹ và Châu Âu, tôi nhìn thấy điều này ở đây thường xuyên hơn.
“Trong một cách nào đó, đây là một cách thức để người dân – hầu hết là người trẻ tuổi – xác định mình là người Công Giáo. Một số nhân viên mục vụ giáo dân đeo chuỗi, vì họ không có thánh giá để đeo.
“Tuy nhiên, tôi đã nghe nói rằng có một số thành viên băng đảng ở các thành phố ở Honduras, đeo chuỗi Mân côi như là một loại bùa hộ mệnh, để bảo vệ họ. Tôi không nghĩ rằng đó là một cách để xác định thành viên băng đảng của họ, nhưng là một cách tìm kiếm sự an ủi trong thế giới rất bất an của người nghèo đô thị. Đó là trường hợp hoàn toàn khác.
“Nhưng điều quan trọng là hãy nhớ rằng ở đây giữa người nghèo, việc đeo chuỗi quanh cổ, mặc dù nó có vẻ như là một loại “trang sức”, là một biểu lộ của đức tin.
“Tôi không biết liệu các người trẻ thường lần chuỗi không, nhưng trong số rất nhiều người dân ở các vùng nông thôn ở đây tại Honduras, việc lần chuỗi là thường có – thường trong các nhóm gia đình, trong cộng đoàn cơ bản, hoặc thậm chí trên đài phát thanh Công Giáo nữa. Chuỗi Mân Côi, được lần hoặc đeo quanh cổ, là phổ biến ở đây”.
Cám ơn bạn nhiều. Tôi tin rằng thông tin soi sáng này hoàn chỉnh và khẳng định lực đẩy trung tâm của câu trả lời của tôi: rằng việc đeo chuỗi Mân Côi và các thực hành tương tự chỉ có thể được đánh giá, bằng cách chú ý xem xét bối cảnh địa phương.
(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 14-6-2011)
Để lại một phản hồi