NHỮNG BƯỚC CHÂN “THƯƠNG XÓT”

ban-do-tuyen-quang

Chỉ còn hơn 2 tháng là kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót. Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô “Hãy thương xót như Chúa Cha”. Vào một chiều cuối Thu, đoàn Sài Gòn chúng tôi gồm 5 người, đã rời Thành phố hoa lệ để đến miền Đông Bắc (Tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Hải Dương) tuyến đầu của Tổ quốc, giáp biên giới Trung Quốc. Nhờ ơn Chúa, chúng tôi có 09 ngày để thăm viếng, tặng quà, phát hàng ngàn Chuỗi Mân Côi, Kinh Thánh, Ảnh và thông điệp Lòng Chúa Thương Xót ở một số Giáo xứ, họ vùng sâu, xa thuộc Giáo phận Phát Diệm, Hưng Hóa, Hải Phòng.v.v…

Ngày đầu tiên khởi hành lúc 15h30 trên chuyến bay Sài Gòn – Hà Nội, do ảnh hưởng của bão, gần 19h chúng tôi mới xuống tới phi trường Nội Bài. Nhờ xe ôtô quen đoàn về nghỉ đêm ở Đan viện Xi Tô Thánh Mẫu Châu Sơn (Nho Quang – Ninh Bình) thuộc Giáo phận Phát Diệm, cách hơn 100km.

tham-cha-kiet

Đoàn vào chào thăm Đức Cha Giuse          

thanh-le-dong-te

Thánh lễ Đồng tế ở Dòng Xi Tô

Sáng hôm sau, Cha Giuse Hưng – Phó Bề trên của Dòng đã đưa chúng tôi vào thăm Đức nguyên Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt. Qua thăm hỏi, Ngài cho biết phong trào Lòng Chúa Thương Xót hiện nay rất thích ứng với hiện tình của nhân loại. Nhất là, vừa mới đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong Thánh cho nữ tu Têrêsa Calcuta. Đây là mẫu gương chứng nhân tuyệt vời của Lòng Chúa Thương Xót. Ngài còn tặng cho đoàn sách viết về Thánh nữ, mà Ngài đã viết trước khi người được phong Thánh.

Dịp này, vào đúng lể sinh nhật Đức Mẹ Maria ngày 8/9, cũng là lúc kỷ niệm 80 năm thành lập dòng Xi Tô Thánh Mẫu Châu Sơn, chúng tôi được tham dự Thánh lễ long trọng, do Đức Cha Giuse Nguyễn Năng (Giám mục Phát Diệm), Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt – Giám mục Bắc Ninh, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt và đông đảo linh mục cùng các thầy dòng Châu Sơn đồng tế Thánh lễ.

nha-tho-chau-son

Chia tay Đan Viện Châu Sơn, trưa đấy chúng tôi đã về thăm giáo xứ Âm Sa, cách khoảng 20 km, để kịp 17 giờ phát kinh, sách chia sẽ và cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót với hơn 200 giáo dân. Được biết, nơi đây từ năm 1923 các bậc tiền nhân đã xây một ngôi Thánh đường nhỏ đơn sơ. Đến năm 2005, ngôi nhà thờ mới được hình thành và có tên Âm Sa. Có nghĩa là: âm vang của sóng biển, do phù sa của biển bồi nên. Từ lúc đầu với 56 nhân danh, hiện nay có 876 giáo dân. Năm 2007 đến nay, Cha Giuse Trần Văn Chi là Cha Chánh Xứ.

Sáng hôm sau, chúng tôi qua dự lễ ở giáo họ Đài Môn gần đây. Sau lễ, chúng tôi rất xúc động khi cùng tham dự nghi thức lễ an táng tập thể cho hơn 50 thai nhi, do các tình nguyện viên thu gom ở địa bàn giáo xứ. Hơn 20 người, miệng vừa đọc kinh, tháp tùng đi bộ củng với chiếc xe ba gác đẫy cũ kỉ, trên để 1 thùng gỗ thô sơ chứa các hủ cốt thai nhi. Đoàn đi quanh co trên những đường đất làng quê, dài gần cả cây số, bao quanh là những cánh đồng bát ngát phủ mờ sương. Nhìn cảnh thảm thương này, chúng tôi hết sức xúc động, thương tiếc cho các linh hồn thai nhi. Các cháu như những làn sương khói mờ ảo, lạnh lẽo; hiện hữu trong vũ trụ, rồi thoáng chốc tan biến vào cõi hư không tĩnh mịch…                                                   

chia-se

Chia sẻ và cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót

Vì sao có việc làm bác ái xã hội ở chốn thôn quê hẻo lánh này? Cha Chi đã tâm sự, trong một lần đi giảng lễ, khi xe máy băng qua một cánh đồng, có một con chó cứ đuổi theo rất lâu. Nhìn kỹ lại, Cha thấy đó là hình dáng của một thai nhi nằm trong một túi bọc ni long. Thế là, Cha đã đoán được sứ vụ mới của mình. Dù không có tiền, chưa có đất, nhưng Cha đã cầu nguyện và mời gọi mọi người dấn thân làm thiện nguyện. Được biết, hàng năm địa bàn nơi đây có hơn 3.000 thai nhi bị phá thai.

Đài Môn là nơi các dân vùng lân cận tới lập Ấp từ năm 1827. Qua hơn cả trăm năm, đến năm 1951 được nâng lên thành giáo xứ. Chúng tôi cũng tiếp tục tặng kinh, sách, chuỗi Mân Côi và chia sẽ, cầu nguyện kinh Lòng Chúa Thương Xót cho hơn 500 giáo dân ở nơi đây.

Rời Đài Môn, chúng tôi vượt hơn 100 km đèo dốc, với nhiều khúc cua ngoặt nguy hiểm để đến giáo xứ Kim Bịch, Tỉnh Hải Dương (giáo phận Hải Phòng). Cha Giuse Nguyễn Văn Tuyên cho biết, việc mục vụ nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Vì xứ Kim Bịch là một trong những giáo xứ lớn ở vùng Nam Sách, Tỉnh Hải Dương. Năm 1954 hầu hết giáo dân đã di cư vào Nam và thiếu vắng linh mục coi sóc. Từ đó trở nên hoang vắng. Thánh lễ mỗi tuần, số người tham dự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những năm vừa qua, nhờ những người con của giáo xứ Kim Bịch ở miền Nam và hải ngoại góp sức, nên việc xây dựng nhà thờ ngày càng tốt hơn.

                                                   giao-xu-kim-bich

Giáo xứ Kim Bịch

Được biết, Cha Tuyên thuộc dòng Đa Minh (Ba Chuông) ở Sài Gòn được phân công về nơi đây chỉ mới vài năm. Từ việc chợ búa, nấu ăn đến việc mục vụ Cha phải tự quán xuyến nên gặp rất nhiều khó khăn.

Rời giáo xứ Kim Bịch, đoàn khởi hành đến thăm Cha Giuse Nguyễn Thái Hà, Chánh xứ Tuyên Quang (Giáo phận Hưng Hóa). Phải vượt thêm hàng trăm cây số núi đồi, dưới cơn mua giông, nên hơn 6 tiếng mới đến nơi. Xe đưa chúng tôi qua nơi di tích lịch sử Cây Đa Tân Trào, để đến Thành phố Tuyên Quang (được mệnh danh là Thủ phủ cách mạng khi xưa). Đến nơi, gặp vị Cha già ốm yếu gần 70 tuổi; nhìn nhà thờ xưa cỗ với mái rêu phong, vách ván, chúng tôi ngậm ngùi cho việc mục vụ ở nơi truyên giáo miền núi xa xôi. Gửi tặng Cha một số quà đoàn tiếp tục đi hơn 10km để đến giáo xứ Hàm Yên thăm Cha Giuse Nguyễn Hữu Tứ. Được biết, giáo xứ Hàm Yên được tách khỏi xứ Tuyên Quang từ năm 2007. Gồm 6 giáo họ và 1 giáo điểm. Tuy nhiên chỉ mới 3 nơi có nhà thờ hoặc nhà nguyện tạm. Cha đưa chúng tôi đến Giáo họ Đồng Thuận là nhà thờ thành lập từ năm 1933, nhưng mới được khánh thành năm 2012. Nơi đây có khoảng 450 giáo dân. Tiếp tục đến Giáo họ Tân An, được thành lập 1922, nhưng đến nay chỉ có được 268 giáo dân.

nha-tho-tam

Hôm sau, Cha đưa đoàn lên tỉnh Hà Giang, gần biên giới Trung Quốc thăm Giáo họ Đồng Vàng, được thành lập 1988 có 570 giáo dân, nhưng chưa có nhà thờ. Họ Tân Yên có hơn 200 giáo dân. Qua các giáo điểm, họ nơi đây, chúng tôi đã phát quà và hướng dẫn cho hàng trăm giáo dân cầu nguyện về chuỗi Kinh LCTX.

Chia tay Cha xứ chúng tôi về thăm hồ Núi Cóc (Giáo phận Hưng Hóa). Nơi cơ sở 2 của Dòng Xi Tô (Châu Sơn) phục vụ nước đóng chai tinh khiết cho các trường học trên địa bàn và sản xuất trà Tuyên Quang. Tối hôm ấy, đoàn đã chia sẽ, cầu nguyện Kinh Lòng Chúa Thương Xót, phát quà cùng vui Tết Trung Thu với cả trăm giáo dân và các em thiếu nhi Thánh Thể.

doi-che-tuyen-quang

        Kết thúc Thánh lễ ở Giáo xứ Đồng Đinh, cũng là lúc đoàn hoàn tất 9 ngày với những bước chân “thương xót” ở vùng Đông Bắc. Chia tay trở về, chúng tôi lâng lâng niềm hoan lạc vì Lòng Chúa Thương Xót được lan tỏa đến vùng biên giới tuyến đầu của Giáo hội Việt Nam. Lòng chúng tôi cũng bùi ngùi và trân quý về những tình cảm và hy sinh âm thầm nhưng vô giá của những vị mục tử khó nghèo ở vùng núi rừng hẻo lánh. Các Ngài đang dấn thân nơi những điểm truyền giáo còn rất nhiều thiếu thốn và đầy gian lao. Rất mong được nhiều cánh tay, bước chân “thương xót” tiếp sức của mọi người.

“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa…

Phận nữ tì hèn mọn, người đoái thương nhìn tới…

Đời nọ, tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ người.”

(Magnificat)

Giuse M. Tuấn Minh

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*