Cartarina sinh 1347 tại Siêna, là con út của một gia đình dông đảo, cha Ngài, ông Giacômô là một thợ nhuộm giàu có, Mẹ Ngài Mônna Lapa là một người quản trị có nhiều khả năng và giàu nghị lực của gia đình sống động này.
Cartarina đã trải qua tuổi nhỏ thơ ấu bình thường với tính vui đặc biệt khác hẳn với các anh chị. Nhưng với tuổi thanh xuân, Ngài đã say mê cầu nguyện trong cô tịch. Bà Lapa rất bực mình và có thời bà coi Cartarina như một đứa con khó trị, vì cô đã cưỡng lại sự hướng dẫn của mẹ trong những công việc như ăn mặc và giải trí, chống đối cả những đề nghị thành hôn và luôn cương quyết trong ý tưởng trở nên một nữ tu.
Ngay hồi 7 tuổi, Cartarina đã khấn với Đức Trinh nữ rằng : Chúa Giêsu là vị hôn phu duy nhất của mình. Lên 12 tuổi, cha mẹ muốn gả chồng cho Cartarina. Nhưng rồi cha mẹ Ngài đã hiểu rằng: không thể thay đổi ý định của Ngài được. Đàng khác, sau nhiều thử thách, cha mẹ Ngài phải cảm kích khi thấy Ngài vẫn dịu dàng tuân phục trong những việc nặng nề và từ đó họ không chống lại tiếng gọi thần linh nữa.
Năm 16 tuổi, Cartarina được mặc áo dòng ba Đaminh. Luật lệ dòng cho phép Ngài mặc áo đen trắng của dòng mà vẫn ở nhà với cha mẹ. Từ đó, trong 3 năm trời thánh nhân chỉ rời phòng riêng khi đi lễ và xưng tội. Ngài chỉ nói chuyện với cha giải tội của Ngài thôi. Sau này vị linh mục tốt lành này thú nhận rằng mình thường cảm thấy thiếu khả năng để hướng dẫn Cartarina.
Cũng trong thời gian này có khi thánh nhân chỉ ăn một muỗng cháo và ngủ vài giờ mỗi ngày. Những khó nhọc khổ chế thể xác ấy còn quá nhẹ so với cơn thử thách mà quỷ gây ra trong tâm hồn. Khi hết các thử thách, Chúa Giêsu hiện đến dưới hình dạng bê bết máu trên thánh giá. Thánh nhân trách: – Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi con một mình chiến đấu với những dày vò kia ?
Chúa trả lời : – Cha vẫn phải với con.
– Sao, Chúa ở giữa những tư tưởng kinh tởm làm nhơ nhớp linh hồn con sao ?
– Nhưng những thử thách ấy đâu có làm cho con phiền muộn quá mức ?
– Ôi, con kinh sợ và đau buồn quá mức ?
– Đó, các tư tưởng ấy đã không thể làm nhơ uế hồn con vì con tởm gớm chúng. Chính cha ngự trong lòng con và đã cho con ơn biết đau buồn vì chúng.
Chúa Giêsu đã thưởng công cho lòng dũng cảm và trung tín của Cartarina bằng cuộc viếng thăm này. Thánh nhân xin cho được kết hợp mật thiết với Chúa hơn. Trong một thị kiến, Đức trinh Nữ đã cầm tay thánh nữ và Con Ngài đã xỏ vào tay thánh nữ một chiếc nhẫn vàng và chỉ một mình thánh nữ trông thấy. Đây là Lễ Cưới nhiệm mầu.
Sau biến cố đặc biệt này, thánh nữ bắt đầu chia sẻ mọi việc trong nhà, nuôi dưỡng bệnh nhân và giúp đỡ những người nghèo. Người ta còn nhắc đến việc Ngài săn sóc cho một người cùi và một người bị ung thư; để vượt qua sự ngại ngùng, Ngài dám hôn vết thương tanh hôi của họ. Anh hùng săn sóc cho thể xác, chắc chắn Ngài cũng nhiệt tình lo lắng cho linh hồn con người . Một phạm nhân cứng lòng đã hối cải sau lời khuyên của thánh nữ, và lãnh nhận cái chết đạo đức trong tay thánh nữ.
Được ơn thấu suốt các tâm hồn, thánh nhân đã trở nên nơi tập họp của một lớp người đông đảo cầu thuộc đủ mọi thành phần. Họ bị lôi kéo bởi sự vui tươi lẫn đời sống khổ hạnh của Ngài, bởi tính khí bình dân lẫn sự hiểu biết sâu sắc về đường thiêng liêng, bởi nét đẹp bình dị của Ngài. Người ta gọi nhóm người qui tụ bên Ngài là “Trường phái thần bí”.
Với ảnh hưởng lớn lao ấy, thánh Cartarina được mệnh danh là “Thiên thần hòa giải” bởi những mối thù hận giữa gia đình không thể chống lại được ảnh hưởng của Ngài. Ngài nói : – Ghen ghét người lân cận là chống đối lại Thiên Chúa, là hủy diệt đối với người nuôi dưỡng nó, bởi vì ai sống trong ghen ghét, họ tự ghét bỏ mình còn hơn là ghét bỏ thù nghịch nữa.
Trước uy tín đặc biệt này của thánh nhân Bề trên đã đặt Ngài mang lời Chúa đến cho dân chúng. Ngài dạy ở Siêng Pisa, Rôma. Mọi người đều ngạc nhiên khi thấy một người con gái bình thường lại có thể diễn đạt tư tưởng như một nhà thần học và một nhà triết học.
Trở về phòng riêng, thánh nữ tiếp tục cuộc rao giảng Tin Mừng, khích lệ và nâng đỡ các tâm hồn. Ngài viết thư cho các vua chúa và cho cả Đức giáo hoàng, các tu sĩ vâng phục Ngài, các hiệp sĩ bày tỏ nỗi lòng với Ngài. Những việc hệ trọng nhất được giao phó cho Ngài, một trật Ngài có thể đọc cho hai hay ba thơ ký viết về những đề tài khác nhau. Bởi đó, Ngài đã giữ một vai trò lớn lao trong lịch sử, mang lại an bình cho Giáo hội, ngăn chận cuộc nổi loạn ở Pisa và Tôscane. Ngài là Thiên thần của Siêna trong cuộc nội chiến và dịch hạch. Nhiều thành phố nổi dậy chống lại Đức giáo hoàng Gregoriô XI là Đấng rời tòa sang Pháp.
Tháng 5 năm 1376, Ngài sang Avignon nài nỉ Đức giáo hoàng trở về Rôma. Các thư từ của Ngài thổi vào sự can đảm cần thiết cho cuộc trở về này. Khi cuộc nổi loạn ở Florence bùng nổ, người ta bỗng thấy thánh Cartarina xuất hiện, quỳ dưới chân thủ lãnh những người nổi loạn và nói: – Ông muốn tìm Cartarina phải không ? Nó đây, nhưng xin đừng hại những người này.
Cảm kích vì lòng gan dạ của thiếu nữ, người đứng đầu chấm dứt âm mưu nổi dậy.
Đức giáo hoàng Grêgoriô XI bỏ Avignon ngày 13 tháng 9 năm 1376. Khi đức giáo hoàng Gregoriô qua đời, Cartarina trở về Siena và đọc cho thơ ký viết cuốn: “Đối thoại về Chúa quan phòng”. Nhưng có sự chia rẽ, Ngài đứng về phía Urbanô VI. Trong những bức thư đầy sinh lực, Ngài kêu gọi các vua Âu châu vâng phục Đức giáo hòang. Bốn trăm bức thư và cuốn sách thánh nhân để lại là một kho tàng lớn lao trong các tác phẩm thiêng liêng.
Giữa các hoạt động rực rỡ trên, thánh Cartarina đã phải chịu những đau đớn vô danh. Chúng ta biết rằng: từ Chúa nhật thứ IV mùa chay năm 1375, Ngài đã được in năm dấu thánh. Dấu chỉ lộ rõ sau khi Ngài qua đời.
Một chiều tháng giêng năm1380, thánh nhân đã ngã bệnh trong khi đọc một lá thơ viết cho đức giáo hoàng Urbanô. Phục hồi một phần, nhưng Ngài vẫn sống trong một cơn hấp hối nhiệm màu, một chuộc chiến đấu với ma quỉ. Và Ngài ngã bệnh hôn mê lần thứ hai khi đang cầu nguyện tại đền thờ thánh Phêrô và qua đời ba tuần sau vào ngày 29 tháng 4 năm 1380.
Ngài được mai táng dưới chân bàn thờ dòng Đaminh Santa Maria Sopra Minerva, nhưng đầu Ngài sau này được dời về Siena. Tám mươi mốt năm sau Ngài được phong thánh.
Ngày 04 tháng 10 năm 1970, đức Phaolô VI đã tôn phong Ngài vào hàng tiến sĩ Hội Thánh.
Để lại một phản hồi