Chén thánh cần được làm bằng kim loại quý

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

chalice.jpgHỏi: Vài năm trước, Tòa Thánh Vatican đã công bố một huấn thị liên quan đến chất liệu phù hợp để sử dụng cho chén thánh. Nói tóm lại, kim loại là được phép, và các chất liệu dễ vỡ (kể cả tinh thể và gốm) là bị cấm. Tuy nhiên, hầu hết các giáo xứ mà con đã đến thăm đều sử dụng chén thủy tinh hoặc chén gốm, để cho các thừa tác viên Thánh Thể ngoại thường sử dụng khi cho Rước lễ, trong khi linh mục sử dụng chén kim loại. Điều này có vẻ mâu thuẫn, hoặc ít nhất là không nhất quán. Một số linh mục, mà con đã nói chuyện với họ, hy vọng rằng quy định này sẽ được nới lỏng hoặc thay đổi. Một linh mục đã than van về giá cả của chén thánh bằng pha lê, mà ngài từng ưa thích sử dụng nhưng bây giờ thì không thể nữa. Và dường như Chúa chúng ta đã sử dụng một chén làm bằng gốm ở Bữa Tiệc Ly, vì vậy có vẻ là kỳ quặc rằng loại chén mà Chúa chúng ta có thể sử dụng và thấy là xứng đáng, thì Giáo Hội hiện nay không muốn. Thưa cha, liệu có thảo luận nào về việc thay đổi quy định này không? – M. P., Indianapolis, Indiana, Hoa Kỳ.

Đáp: Chúng tôi đã trả lời một câu hỏi tương tự trong một bài vào khoảng đầu năm 2003. Lúc đó, mặc dù tôi đã trả lời rằng không nên sử dụng các chén thánh bằng thủy tinh hoặc gốm do tính dễ vỡ, tôi gợi ý rằng luật tại thời điểm đó là không hoàn toàn rõ ràng. Vấn đề này sau đó đã được giải quyết bởi Huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí Tích Cứu Độ) năm 2005, vốn khẳng định như sau:

“117. Các bình thánh, dùng để đựng Mình và Máu Thánh Chúa, phải được làm hoàn toàn đúng với các quy tắc của truyền thống và của các sách phụng vụ. Theo sự phán đoán của các Hội Đồng Giám Mục, mà quyền hạn này đã được ban cho với sự Toà Thánh xác nhận (confirmatio) các hành vi của các ngài, có thể thích thời thực hiện các bình thánh bằng cách sử dụng những chất thể khác, với điều kiện là chúng phải được chắc chắn. Nhưng mà, trong mỗi vùng, đòi hỏi cách nghiêm chỉnh phải chọn lựa những chất thể mà mọi người đánh giá là quý, để tỏ sự tôn kính Chúa, và để tránh hoàn toàn, nơi mắt các tín hữu, mọi nguy cơ giảm bớt lòng tin nơi sự hiện diện thực sự của Đức Kitô dưới hình bánh và hình rượu. Như vậy, việc cử hành Thánh Lễ với bất cứ bình dùng hằng ngày hay thông thường hơn, phải được dứt khoát bài trừ, đặc biệt nếu đó là những đồ vật không có chút nào là nghệ thuật, hay chỉ là những cái giỏ thường, hay nữa là những đồ đựng bằng thuỷ tinh, đất sét, đất nung hay bằng những chất liệu khác dễ bể. Việc này cũng có giá trị đối với tất cả bình bằng kim loại hay được làm bằng những chất liệu dễ hỏng” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Trong trường hợp này, cụm từ “phải được dứt khoát bài trừ” có nghĩa rằng các tập tục trái ngược không thể có sức mạnh hiệu lực của luật, cho dù sự thực hành ấy đã có từ lâu.

Một số Hội Đồng Giám Mục đã sử dụng khả năng được cung cấp bởi các sách phụng vụ cho chất liệu của các bình thánh một cách chi tiết hơn.

Do đó, phiên bản Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma của Hoa Kỳ cho biết:

“327. Trong các vật dụng cần phải có để cử hành Thánh Lễ, các bình thánh phải được đặt biệt tôn trọng, và trong số đó, có chén thánh và đĩa thánh, dùng để dâng, truyền phép và rước bánh rượu.

“328. Các bình thánh phải được làm bằng kim loại quý. Nếu được chế từ kim loại có thể bị rỉ sét hay kém hơn vàng, thì phía trong các bình phải được mạ vàng.

“329. Trong các Giáo phận của Hoa Kỳ, các bình thánh có thể được làm bằng những chất liệu khác vững bền và cao quý theo đánh giá chung của địa phương, thí dụ: ngà hay vài thứ gỗ cứng, miễn là thích hợp cho việc sử dụng thánh. Trong trường hợp này, luôn luôn nên chọn chất liệu không dễ vở hay hư hỏng. Ðiều này đặc biệt áp dụng cho các bình đựng Mình Thánh, như đĩa, bình, hộp, mặt nhật v.v…

“330. Về chén thánh và các bình đựng Máu Chúa, phần chứa đựng phải làm bằng chất liệu không thẩm thấu. Còn phần chân thì có thể làm bằng chất khác bền chắc và xứng đáng.

“331. Ðĩa đựng bánh thánh nên làm khá lớn để có thể đặt vào đó bánh cho vị tư tế, phó tế, các người giúp khác và tín hữu.

“332. Về hình dáng các bình thánh, các nghệ nhân chế tạo theo cách thích đáng, đáp ứng các thông tục của địa phương, miễn là thích hợp với việc sự dụng thánh mà chúng nhắm tới, và phân biệt rõ với những bình thông dụng.

“333. Việc làm phép các bình thánh phải theo nghi thức trong các sách phụng vụ. 

“334. Nên giữ thói tục làm một giếng thánh trong phòng thánh, để đổ vào đấy nước rửa bình thánh và nước rửa chỗ bánh thánh rơi (x. số 280). (Bản dịch có tham khảo bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang)

Đây là luật đang có hiệu lực. Đã có một số cuộc tranh luận gần đây về khả năng của các kỹ thuật mới, vốn sản xuất kính và gốm sứ thật cứng, thực sự cứng hơn so với kim loại và gỗ cứng. Nếu các kỹ thuật này được xác minh, thì tôi nghĩ rằng câu hỏi có thể được mở lại. Các điều cấm đối với thủy tinh và đồ gốm nói chung là do các chén giòn, dễ vỡ, vỡ vụn và thực sự không thể sửa chữa được.

Vấn đề không đề cập đến sự xứng đáng giá trị cố hữu, vì các chén thủy tinh và gốm sứ mỹ thuật có thể được ưa thích nhiều và thực sự có giá trị. Cũng đúng là các bình thánh bằng thủy tinh đã được sử dụng trong quá khứ.

Tuy nhiên, tôi sẽ không đồng ý rằng các nhà thờ sử dụng các chén không được chấp thuận cho các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ. Các chén là để chứa Mình Thánh, và chúng cần phải xứng đáng cho Ngài, cho dù thừa tác viên nào cầm chén ấy.

Không ai biết rõ là Chúa Kitô dùng chén loại nào cho Bữa Tiệc Ly. Thật là khó có được các vật liệu quý giá thời ấy, nhưng nó ở ngoài điểm chính. Các nghi lễ của Giáo Hội tiến triển. Việc thiết lập ban đầu của Bí Tích Thánh Thể đưa ra các yếu tố cơ bản, nhưng chúng được tô điểm cách tự nhiên theo dòng thời gian và biến đổi thành các nghi lễ, mà trong đó Kitô hữu mong muốn dâng hiến cái tốt nhất của họ trong việc thờ phượng Thiên Chúa.

Có thể là biểu tượng rằng trong năm 303, khi bắt đầu cuộc bách hại cuối cùng của Hoàng đế Diocletian đối với các Kitô hữu, một phái đoàn của các quan chức chính quyền Rôma đến nhà thờ ở Cirta, vùng Numidia (tức Constantine ngày nay ở Algeria), và đòi đưa ra các sách và tài sản khác của nhà thờ. Họ đã thực hiện sự kiểm kê sau đây:

“Hai chén thánh vàng, sáu chén thánh bạc, sáu bình bạc, một nồi nấu bằng bạc, bảy đèn bạc, hai khay bánh thánh, bảy cây nến bằng đồng với đèn riêng, mười một đèn bằng đồng với chuỗi riêng, 82 áo choàng phụ nữ, 38 chiếc áo choàng, 16 áo phụ phó tế, 13 đôi giày nam, 47 đôi giày nữ, và 19 cái cài móc nông dân. Khi kiểm tra chặt chẽ hơn, có thêm một chiếc đèn bạc và một hộp bạc, bốn cái bình lớn và sáu thùng từ phòng ăn, cũng như một sách chép tay lớn”.

Nếu nhà thờ tương đối mờ nhạt này trong thời gian bách hại muốn sở hữu và sử dụng các chén như thế cho việc cử hành Thánh lễ bí mật, thì chúng ta không nên ngạc nhiên rằng Giáo Hội vẫn tìm cách dâng lên Chúa Kitô những gì là tốt nhất vào thời sau có tự do hơn.

(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 27-6-2017)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*