Từ nhiều năm qua tình hình chiến tranh, xung khắc, bất ổn ngày càng gia tăng tại Trung Đông, khiến cho các quan sát viên quốc tế nhận thức được rằng sự đe dọa đối với các kitô hữu sống tại các quốc gia trong vùng rất nghiêm trọng, đặc biệt là tại Iraq và Siria.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị nội dung bài viết của nữ nhà báo Barbara Serra liên quan tới thảm cảnh của các kitô hữu đang phải sống giữa nạn bạo lực phe nhóm và tình hình bất ổn chính trị vùng Trung Đông.
Mở đầu bà Barbara Serra ghi nhận rằng ngày nay được sống trong một nước, trong đó đa số dân cùng chia sẻ tôn giáo riêng là một xa xỉ phẩm, nhưng lại thường bị coi là điều đương nhiên và khó nhận thức. Diễn tả niềm tin của mình một cách công khai với toàn cộng đoàn mà không phải giải thích các tín ngưỡng và phong tục tập quán của mình chắc chắn khiến cho cuộc sống dễ dàng hơn và an ninh hơn. Không sợ hãi rằng tôn giáo của chúng ta có thể khiến cho chúng ta trở thành bia nhắm quả thật là một đặc ân. Nhưng tất cả các đặc ân này có thể khiến cho chúng ta trở thành lười biếng hơn, hướng tới chỗ không biết rằng tại nhiều phần đất trên thế giới này tuyên bố tôn giáo của mình là một cử chỉ can đảm có thể dẫn đưa tới cái chết.
Và thật là khôi hài, một trong những vùng nguy hiểm nhất đối với các nhóm tôn giáo thiểu số lại là chiếc nôi của ba tôn giáo lớn độc thần Do thái, Kitô và Hồi giáo: đó chính là vùng Trung Đông. Và chính trong bối cảnh này mà tôn giáo có đông người theo nhất thế giới là Kitô giáo, lại trở thành thiểu số bị bách hại nhiều nhất. Cả khi chỉ là phỏng chừng, các con số cũng nói lên điều này một cách rõ ràng, không thể chối cãi được. Vào đầu thế kỷ vừa qua kittô hữu chiếm gần 20% tổng số dân vùng Trung Đông. Thế mà vào năm 2010 họ chỉ còn chiếm không tới 4%, và số kitô hữu tiếp tục giảm sút. Nguy cơ kitô hữu biến mất khỏi Thánh Địa chưa bao giờ lại thật đến như thế. Các thiểu số kitô đã đồng hiện hữu với đại đa số dân theo Hồi giáo tại Trung Đông trong 14 thế kỷ. Tuy có các thời kỳ bất bình đẳng và bị đẩy ra bên lề khác nhau, nhưng các kitô hữu của thế giới A Rập đã thành công trong việc phát triển và sống trong hòa bình với các người hồi đồng hương khác. Sự hiện diện liên tục của họ như là tôn giáo thiểu số sau 1.500 năm chung sống là một bằng chứng tỏ tường.
** Chính trong thế kỷ vừa qua, đặc biệt là trong các thập niên qua, tình hình đã trở thành tàn phá tồi tệ đối với các kitô hữu. Tình hình bất ổn chính trị và cảnh bất công xã hội theo sau sự sụp đổ của đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ đã trợ giúp sự bành trướng của Hồi giáo cuồng tín. Gần đây hơn nữa chiến tranh đã tàn sát các cộng đoàn kitô của hai nước Iraq và Siria.
Năm 2003 trước khi bị Hoa Kỳ xâm lăng, tại Iraq đã có khoảng một triệu rưỡi kitô hữu sống tương đối không bị kỳ thị. Ngoại trưởng Iraq ông Tariq Aziz đã là tín hữu kitô. Ngày nay số kitô hữu tại Iraq chỉ còn khoảng 250.000 người. Việc bành trướng của cái gọi là “Nhà nước Hồi IS” đã ảnh hưởng rất nhiều trên cuộc xuất cư của các kitô hữu. Nhưng họ đã trở thành bia nhắm của các lực lượng này, sau khi tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ, tức 10 năm trước biến cố Nhà nước Hồi giáo nổi dậy. Đây đã là một trong các dấu chỉ đầu tiên cho thấy xã hội của quốc gia này bị gẫy vụn, cùng với việc leo thang bạo lực hệ phái giữa người hồi Sunnít và người hồi Sciít.
Bên Siria các mối dây liên kết lịch sử với Kitô giáo đã mạnh mẽ đến độ tại thành phố Maaloula, cách thủ đô Baghdad 50 cây số, người dân còn nói tiếng Aramei là ngôn ngữ của Chúa Giêsu. Thật thế, khi nước Siria được thành lập hồi năm 1920, một phần ba dân số theo Kitô giáo. Hiện nay người ta nghĩ chỉ còn khoảng 900.000 tín hữu kitô trên tổng số 18 triệu dân.
Một cuộc chạy trốn tiếp tục. Và ai trong chúng ta, sau khi nghe kể lại các vụ hành quyết do các lực lượng hồi cuồng tín thi hành đối với các kitô hữu: đóng đanh, xử tử, chặt đầu, chôn sống, cắt cổ, mà dám trách các kitô hữu tại sao lại bỏ trốn? Thật ra các lực lượng hồi cuồng tín cho họ ít lựa chọn: hoặc là theo Hồi giáo, hoặc là ra đi hay bị chặt đầu…
Nhà nước Hồi và các nhóm khủng bố phá hoại khác theo Hồi giáo cuồng tín khoe khoang kiểu họ đối xử tàn bạo đối với các kitô hữu, cả bởi vì họ hiểu ảnh hưởng của các vụ hành quyết đối với các phương tiện truyền thông. Hồi tháng hai năm 2015 nhà nước Hồi đã cắt cổ 21 kitô hữu Cốp Ai cập trên bờ biển Libia trong một trong các video tuyên truyền hổ nhục và tàn bạo nhất được họ tung lên mạng. Hai mươi mốt nạn nhân mặc áo mầu vàng cam như mầu áo dùng cho các tù nhân tại trại tù vịnh Guantanamo. Bãi biển Libia là biên giới với Âu châu.
** Các tay khủng bố hồi coi các tín hữu kitô không chỉ như các kẻ bất trung, mà còn như các thành phần của Tây Phương nữa. Sứ điệp của video hành quyết rất rõ ràng: người tây phương các ngươi bỏ tù các “liên minh” của chúng tôi tại Guantanamo, thì chúng tôi giết người của các ngươi trước ngưỡng cửa Âu châu.
Sự đe dọa đối với các kitô hữu bên Trung Đông thật là nghiêm trọng và không thể chối cãi được. Tuy nhiên, để có thể hiểu nó một cách sâu xa, chúng ta cần phải nhìn nó trong bối cảnh của vùng này. Các chia rẽ hệ phái, việc vắng bóng nền dân chủ, an ninh, các quyền dân sự, tính cách hợp pháp: tất cả đều là các vấn đề liên lụy tới các công dân của các quốc gia trong vùng bất ổn này, trong đó căn cước tôn giáo chằng chéo với căn tính chính trị. Là người hồi sunnít, sciít, kitô, alawít, druise hay yazidi có một tầm quan trọng xã hội, địa lý, chính trị và kinh tế, ngoài tầm quan trọng tinh thần.
Sự kiện chúng ta lưu tâm tới các vụ tấn công các kitô hữu là điều tự nhiên. Cả khi chúng ta coi các người A Rập như là một người trong chúng ta. Nhưng chúng ta lầm, nếu chúng ta không cho cùng tầm quan trọng cho mọi bạo lực hệ phái đang khiến cho toàn vùng này bị chết ngộp. Hồi năm 2017 đã có 128 tín hữu kitô Cốp bi giết chết trong nhiều vụ khủng bố tại Ai Cập. Vụ khủng bố cuối cùng là tại một nhà thờ trong mùa Giáng Sinh.
Một tháng trước đó đã có 305 tín hữu hồi Suphít bị các người hồi cuồng tín coi là lạc giáo, bị sát hại trong một vụ tấn công đền thờ hồi giáo trong bán đảo Sinai. Bên Iraq vụ tấn công tàn sát lớn nhất do Nhà Nước Hồi chủ mưu đã là vụ tấn công bằng bom một cộng đoàn sciít tại Karrada trong thủ đô Baghdad hồi tháng 6 năm 2016, khiến cho 323 người thiệt mạng và làm cho hàng trăm người khác bị thương trong một trung tâm thương mại đầy các gia đình đang cử hành tháng chay tịnh Ramadan. Sự tàn bạo của Nhà nước Hồi đặc biệt nhắm tới các kitô hữu và người hồi Yaszidi, nhưng cũng không tha các anh chị em hồi giáo khác.
Người ta thường nói nhiều tới chiến tranh giữa các nền văn minh. Câu hỏi mà chúng ta thường đặt ra bên Tây Phương đó là không biết bạo lực và sự bất khoan nhượng, mà chúng ta trông thấy tại nhiều phần của thế giới hồi giáo, có phát xuất từ chính Hồi giáo hay không. Chắc chắn các nhóm như nhà nước Hồi xuyên tạc các câu trong Kinh Coran để biện minh cho thù hận bạo lực của họ. Họ coi tất cả những ai không chia sẻ việc giải thích quá khích Hồi giáo là một kẻ bất trung, không tin, cả khi đó là các người Hồi đi nữa.
** Nữ nhà báo Barbara Serra nói bà để cho các chuyên viên nghiên cứu Kinh Coran sâu xa hơn. Bà chỉ biết rằng sau 12 năm làm việc tại đài truyền hình Al Jazeera và hằng trăm giờ phân tích bạo lực tại Trung Đông trong mọi khía cạnh của nó, hơn 90% các cuộc phỏng vấn bà thực hiện có bản chất chính trị, chứ không phải là tôn giáo.
Bà nhận thấy nạn thất nghiệp, tình trạng bất hợp pháp, sự tuyệt vọng, nạn bất công và khát vọng báo thù là các yếu tố chiêu dụ của các nhóm khủng bố phá hoại, chứ không phải là các câu gây tranh cãi trong Kinh Coran. Các cơ cấu của chính quyền càng gẫy vụn bao nhiêu, thì các khuynh hướng hệ phái, sự sợ hãi và thù hận người khác càng lớn mạnh bấy nhiêu. Thật đáng suy gẫm các lời này của Đức Thượng Phụ Giáo Hội công giáo hy lạp Melkít Gregorio III Laham: “Tương lai của các ki tô hữu tại Siria không bị đe dọa bởi các người hồi, nhưng bởi sự hỗn loạn”.
Tây Phương phải suy nghĩ một cách rõ ràng rằng cuộc chiến đấu của mình là để chống lại nạn khủng bố chứ không phải để chống lại Hồi giáo. Giải pháp cho cuộc bách hại các kitô hữu Trung Đông sẽ chỉ được tìm thấy trong việc bình định tình hình cho tất cả mọi nhóm chủng tộc và tôn giáo, trong cách thế công bằng nhất có thể. Chìa khóa đích thật của một tương lai ổn định cho thế giới A rập là chính người A rập, cho dù họ theo tôn giáo nào đi nữa.
Một văn bản dài hơn của các suy tư này của nhà báo Barbara Serra đã được dùng cho lời Mở đầu cuốn sách tựa đề “Nơi các kitô hữu chết” của tác giả Luigi Ginami xuất bản trong năm 2018 này.
Tưởng cũng nên ghi nhận một sự kiện đáng buồn khác: đó là các phản ứng rất yếu ớt của các tổ chức Hồi giáo và của đại đa số tín hữu hồi trên toàn thế giới đối với các lực lượng hồi cuồng tín và cung cách hành xử tàn bạo vô luân của họ, nấp sau bình phong hồi giáo để thực hiện các mưu đồ chính trị đen tối. Cũng có các vụ lên tiếng và các thông cáo kết án các vụ sát hại, nhưng người ta có cảm tường chúng đã không gây được tiếng vang và ảnh hưởng nào đối với các tổ chức hồi cuồng tín như Al Qaeda, Boko Haram bên Nigeria, Nhà nước hồi IS, Al shabaab bên Somalia, và các lực lương hồi quá khích hoạt động tại Philippines, Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Linh Tiến Khải
(RadioVaticana 28.05.2018)
Để lại một phản hồi