Giữa tháng hai – 2018, Tổng thống Macron tổ chức bữa ăn tối ở Điện Élysée về chủ đề đoạn cuối cuộc đời. Chung quanh bàn ăn là những người có trách nhiệm trong các cơ quan, trong lãnh vực y khoa, các đại diện tôn giáo, trong đó có Tổng Giám mục giáo phận Paris Michel Aupetit. Không đầy hai tháng, đây là lần thứ ba, Tổng thống gặp các đại diện tôn giáo. Vào cuối bữa ăn, Emmanuel Macron rỉ vào tai ông François Clavairoly, chủ tịch Liên hội tin lành Pháp: “Chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau”. Và ông giữ lời. Phần lớn trong số họ trở lại gặp ông vào tháng 5. Lần này để nói về vấn đề Hỗ trợ sinh sản bằng thuốc (Procréation médicalement assistée, PMA) cho các cặp đồng tính nữ.
Chung chung, chưa bao giờ dưới thời cựu tổng thống François Hollande có một sự gần gũi thấy rõ như vậy với hàng giáo sĩ và tôn giáo. Thiệt thòi cho những người kiên trì bảo vệ chặt chẽ cho tinh thần thế tục, Emmanuel Macron không ngừng chất vấn về ý tưởng siêu việt. Thêm nữa, ông gieo rất nhiều quy chiếu về siêu việt trong các bài diễn văn của mình. Tháng 5 ở Aix-la-Chapelle (nước Đức) khi ông đến nhận giải Charlemagne, ông chất vấn công dân Âu châu “Hãy thúc tỉnh dậy” với giọng điệu Phúc Âm và đưa ra “bốn điều răn” gần như điều răn của thánh kinh. Trong lần phỏng vấn gần đây với Tân Tạp chí Pháp (La Nouvelle Revue Française, NRF), ông nhắc đến tư tưởng gia kitô giáo Pascal với câu nói: “Chúng ta đi qua phía bên kia theo phạm vi cá nhân”. Trong lần vinh danh cố đại tá Arnaud Beltrame, ông đưa ra gần như tất cả nền tảng của đạo công giáo: “Beltrame mang ý nghĩa của ơn gọi, của vĩnh cửu, của cứu rỗi, của đi tìm ý nghĩa, một linh mục nêu ra chi tiết, cha đã gặp ông nhiều lần. Chúng ta có thể nói đây là một bài giảng.”
Emmanuel Macron, một Tổng thống mang tính thiêng liêng? Theo mục sư tin lành François Clavairoly đó là điều hiển nhiên: “Tổng thống nhận thấy rõ vấn đề siêu việt và ông có một tư tưởng đích thực về tôn giáo và thế tục. Với tư cách cá nhân, ông nêu ra các yếu tố có tính cách tiểu sử như ông xin rửa tội năm 12 tuổi. Không mặc cảm, ông đảm nhận tư tưởng theo đó sự kiện tôn giáo hoàn toàn nói lên sự kiện xã hội, và muốn loại trừ nó là làm hung bạo cho xã hội”.
Ngược với một số cựu-đồng bạn trong đảng xã hội – như cựu Thủ tướng Manuel Valls -, Emmanuel Macron cho rằng, trên thực tế, thế tục không được áp dụng cho xã hội. Tháng 1-2018, đứng trước hàng trăm ký giả ở Điện Élysée, ông nói lên tư tưởng “phức tạp” của mình: “Trên quan điểm gần như theo nhân chủng học thì các đồng bào chúng ta tin vào các tôn giáo là chuyện bình thường. Điều này nằm trong đời sống xã hội. Trong những gì là cần thiết cho con người. Chúng ta không thể xóa đi phần không thể khắc phục này”. Ngắn gọn, đối với ông, không có kiểu “chiến đấu cho thế tục hóa”. Trong bất cứ trường hợp nào, các tôn giáo không phải là một đe dọa. Ngược lại là khác. Nền Cộng hòa cần họ, hai bên bổ túc cho nhau.
Một ích lợi lịch sử cho đạo công giáo
Người con của các tu sĩ Dòng Tên và của nền Cộng hòa trước hết vẫn là người học trò trung thành của triết gia Paul Ricœur. Triết gia không bao giờ giam hãm vấn đề thiêng liêng trong lãnh vực cá nhân, nhưng ông kêu gọi phải nói lên trong các cuộc tranh luận công khai “với sự tế nhị và khoan dung”. Ông Pierre-Olivier Monteil giải thích trong quyển sách Macron qua Ricœur, triết gia và chính trị gia (nxb. Lemieux): “Về phần mình, Macron cho rằng, chính trị phải tìm đúng chỗ của mình, ‘cao cả’ nhưng không tối thượng. Ông ý thức các giới hạn của mình và kiềm chế không kiểm soát các phong tục tập quán. Nhưng ông phân xử thông qua sự cân nhắc giữa các giá trị”. Ở Học viện Bernardins ở Paris, Emmanuel Macron đã trích dẫn một đoạn trong quyển sách Biện hộ cho sự không tưởng của tôn giáo của nhà tư tưởng gia tin lành Clavairoly. Lần này, để thúc đẩy các tín hữu kitô “duy trì một mục tiêu xa xuôi cho con người, chúng ta gọi đó là một lý tưởng, một ý nghĩa đạo đức và một hy vọng theo nghĩa tôn giáo”.
Trên thực tế, về người công giáo, Emmanuel Macron có một cái nhìn đặc biệt. Ông đưa tay ra cho họ và nói với họ: “Tôi hiểu quý vị là ai”. Linh mục Vincent Siret, quản nhiệm Chủng viện giáo hoàng học viện Pháp ở Rôma nói về Tổng thống Macron: “Sự hiếu kỳ về triết lý tôn giáo của Emmanuel Macron bắt nguồn từ sự hiếu kỳ cá nhân, vượt ra ngoài hình thức quyến rũ người công giáo. Vì ông thuộc về thế hệ mới, thế hệ mà sự đào tạo về tôn giáo nhẹ hơn. Khía cạnh tích cực của thế hệ này là: không có câu trả lời mẫu cho những chuyện tâm linh”.
Vì thế, Tổng thống hiểu rõ, công giáo là một yếu tố cấu thành của lịch sử nước Pháp. Dù trở nên thiểu số, đạo công giáo vẫn tiếp tục giữ một vị trí quan trọng. Ông François Huguenin, tác giả quyển sách Cá cược kitô, một tầm nhìn khác của thế giới (nxb. Tallandier) cũng có cùng ý: “Bằng sự pha trộn chiến lược và tính xác thực, ông tin rằng, cần thiết là để cho Giáo hội công giáo được mọi người thấy rõ. Vì cứ xóa đi khía cạnh thiêng liêng, thì chúng ta để đường cho các tiên tri dữ, mà trong đó có các người hồi giáo cực đoan. Để bù đắp cho sự tàn bạo của kinh tế với các biện pháp tự do của nó và để gắn kết đất nước, ông tìm một chiều kích và một sức bật từ bên trong”.
Luật sư kitô giáo Jean-Pierre Mignard còn đi xa hơn: “Thị trường tạo ra sự thịnh vượng nhưng cũng tạo ra sự mất mát trí nhớ vô cùng to lớn và còn tạo ra sự tiêu chuẩn hóa. Điều mâu thuẫn này làm cho ông lo lắng. Ông thấy nó từ bên trong”.
Tính thiêng liêng của quyền lực và tâm hồn của quốc gia
Nhưng làm thế nào? Còn mối quan hệ cá nhân của ông với đức tin? Ông là người theo bất khả tri, theo tâm linh hay thần nghiệm? Khó để biết. Ông đã nói với báo Sự sống. “Tôi có đủ khiêm nhường để không cho phép mình có thể nói về Thiên Chúa”. Mẹo để đánh lạc hướng câu hỏi hay “niềm tin phức tạp?” Dù sao, ông muốn đặt số phận của mình, và chức vụ Tổng thống của mình vào sức mạnh trên cao, dựa một cách phong phú vào các biểu tượng của thứ trật của quyền thiêng liêng hay gợi lại các hình ảnh anh hùng. Một ngày khác, ông nói ở Tân Tạp chí Pháp: “Chúng ta luôn là công cụ của một cái gì đó vượt quá chúng ta”, ông nói qua Bruno Roger-Petit, phát ngôn viên của ông, với báo Thế giới rằng, việc chạm vào “sự biểu hiệu” của mình nhắc đến sự biểu hiệu của ba đạo sĩ. Không có gì khác hơn!
Theo nhà sử học Stanis Perez, tác giả quyển sách Thể chất của vua (nxb. Perrin) thì đặt chức vụ Tổng thống dưới dấu hiệu của tính siêu việt trước hết vẫn là một tính toán: “Nguyên thủ Quốc gia thường xuyên ở trong lãnh vực toàn dân đầu phiếu. Là ‘Người Mới’, ông sẽ dựa trên những gì mình thiếu, hoặc trong Lịch sử, hoặc trong biểu tượng truyền thống của quyền lực, để cai trị trong sự hợp pháp của mình, che chắn trên sự thẳng thắn của mình, và nhất là dung hòa hình ảnh quản trị đất nước của mình. Vào thời của họ, Louis-Philippe và Napoléon III đã kết hợp các thuộc tính của Chế độ Cũ và tính hiện đại, để phục vụ lợi ích tài chính và kỹ nghệ lớn. Nhưng cuối cùng người dân đã hạ bệ vua Louis-Philippe, “vua của người giàu” và tiến hành Công xã Paris sau tham vọng thất bại của “Hoàng đế nhỏ Napoléon”.
Về phần mình, ông Camille Pascal, cựu ngòi bút của Tổng thống Nicolas Sarkozy đồng ý rằng, với Macron, nguồn gốc của tầm nhìn thiêng liêng này mở ra từ một trải nghiệm thiêng liêng mật thiết: “Qua số phận đặc biệt ngoại thường của mình, ông phải xúc động bởi ngón tay của Chúa. Mặt khác, ông ý thức tính thiêng liêng của quyền lực, về quyền lực của mình, là người đứng đầu quân đội, để quyết định cuộc sống hay cái chết của người khác. Với nền Đệ ngũ Cộng hòa, bạn phải phản ứng theo tâm thức của xã hội và thể hiện sự liên tục”. Thêm nữa chính Emmanuel Macron cũng nhắc lại: “Đừng bao giờ quên bạn đại diện cho quyền lực và quốc gia”. Và dù cho chủ trương chủ nghĩa thế tục của mình, quốc gia vẫn đi giữa tôn giáo.
Những chữ để nói lên
Một quyển sách giải mã từ vựng của Tổng thống
Một Tổng thống mang tính thiêng liêng đến tận từ vựng của mình? Hai ký giả Adrien Gaboulaud và Anne-Sophie Lechevallier, tác giả quyển sách Sức nặng của chữ, những gì lời của Macron nói về ông (Nxb. Observatoire) đưa ra một vài yếu tố để trả lời câu hỏi này. Nhờ tra cứu các dữ liệu-ngành báo chí, họ đã rà tìm hơn hai triệu chữ mà Tổng thống đã tuyên bố trong thời kỳ tranh cử và vào tháng 3 vừa qua. Ông là người duy nhất trong các ứng viên tranh cử tổng thống dùng chữ “siêu việt”, “đôi khi để biện minh cho chiều dọc của chức vụ tổng thống và vị thế của thể chế cộng hòa”, các ký giả của báo Paris Match nhấn mạnh. Tháng 12 năm 2016, Tổng thống Macron nói với báo Sự sống: “Có tính siêu việt trong việc dấn thân làm chính trị”. “Phẩm cách” cũng là chữ ông dùng rất nhiều, nhưng mang nhiều nghĩa. Từ khi lên cầm quyền, ông đưa chữ này vào trong các bài diễn văn nói đến sự tiếp nhận các người tị nạn, về việc buôn người ở Libya, các bạo lực đối với phụ nữ và đạo đức sinh học. “Muối” – nhưng không phải là đất – cũng được dùng trong nhiều bài nói chuyện về các “thể chế”, “tinh thần kháng chiến”, “các chức vụ công cộng”. Và người thầy tư tưởng của ông, triết gia kitô giáo Paul Ricoeur được ông trích dẫn 24 lần, trong đó có 15 lần ông trích khi tranh cử. Nhưng ông ít nói đến tính từ “kitô”. Cũng vậy với các chữ “tôn giáo” hay “nhân từ”, ông đã dùng như một nguyên tắc làm nền.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn tin: Phanxico
Để lại một phản hồi