Lời Chúa: Thứ sáu Tuần XIX Thường Niên

Hôn nhân bất khả phân ly

Thứ sáu Tuần 19 Thường Niên
Lời Chúa: 

 Mt 19,2-12

2 Dân chúng lũ lượt đi theo Người, và Người đã chữa họ ở đó.3 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su để thử Người. Họ nói: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không? “4 Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ”,5 và Người đã phán: “Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.”6 Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”

7Họ thưa với Người: “Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” 8 Người bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu.9 Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.”

10 Các môn đệ thưa Người: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” 11 Nhưng Người nói với các ông: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu.12 Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.”

Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly (Mt 19,6)

Suy niệm: 

 Phân tích

Vấn đề ly dị:

Những người Pharisêu đến gần Chúa Giêsu để thử Ngài “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?”:
Khi đó có hai lập trường; lập trường của phái Hillel thì rộng rãi, cho phép ly dị một cách dễ dàng; lập trường của phái Shammai thì khắc khe hơn, chỉ chấp nhận ly dị trong rất ít trường hợp. Biệt phái biết vấn đề này gay go nên tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu. Ngài trả lời thế nào thì cũng bị kết án: hoặc quá rộng rãi hoặc quá hẹp.
Chúa Giêsu trả lời bằng cách trích đoạn sách Sáng Thế (St 1,27-2,24). Đó chính là những lời thiết lập định chế đơn hôn và vĩnh hôn. Như thế dứt khóat là không được ly dị, bởi vì “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly”.
Những người Pharisêu chưa chịu thua. Họ trích một câu trong Đệ nhị luật 24,1; Nội dung cho phép là ly dị với điều kiện phải viết chứng thư đưa cho người vợ bị ly dị.
Chúa Giêsu nhận định về câu Đnl đó: Bản chất của nó không phải là lời thiết lập luật nhưng chỉ là lời cho phép chuẩn miễn trong hoàn cảnh người dân còn lòng chai dạ đá, nghĩa là chưa nhận rõ ý Thiên Chúa. Như thế trong quá khứ, nếu cho phép ly dị thì chỉ là chuẩn miễn thôi. Sự chuẩn miễn không hủy bỏ được định chế hôn nhân.
Rồi Ngài lại lập nguyên tắc hôn nhân bất khả ly: “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mình mà lấy vợ khác là phạm tội ngoại tình”.
Suy gẫm
1. Sống độc thân hay lập gia đình không phải thuần túy thuộc ý muốn của con người nhưng là một ơn ban đến từ Thiên Chúa. Nếu không tin có Thiên Chúa và bị ảnh hưởng của tinh thần thế tục, con người sẽ không hiểu giá trị cũng như không thể sống trọn vẹn ơn độc thân hay lập gia đình. Người Kitô hữu chúng ta đừng để mình bị cám dỗ chạy theo tâm thức trần tục. Giải pháp cho vấn đề không phải là luật lệ do con người đặt ra nhưng là tình thương, là trở về với Thiên Chúa và chương trình nguyên thủy của Ngài khi tạo dựng con người.
2. Một trong những đền thờ cổ nói lên tinh thần của người Rôma thời xưa, đó là đền thờ dâng kính nữ thần hòa giải. Khi hai vợ chồng bất hòa người ta khuyên họ đến trình diện nữ thần hòa giải. Nghi thức rất đơn sơ: Mỗi người có thể trình bày lý lẽ, phơi bày những bất công mà mình phải gánh chịu trong gia đình. Nghi thức đòi hỏi hai người không được nói cùng một lúc. Hễ ai ngắt lời người kia thì điều đó sẽ bị coi là phạm thánh. Nghi thức này có sức mang lại những kết quả phi thường: Sau khi trình bày xong lý lẽ, rủa xả thậm tệ người phối ngẫu, hai vợ chồng thường làm hòa với nhau trước mặt vị thần.

3. Gương chung thủy

Catarina Yaguello là vợ của bá tước Vasa, người Phần Lan. Vì bị buộc tội phản loạn, Vasa bị vua lên án tử hình.
Khi hay tin này, nữ bá tước Vasa là Catarina Yaguello đã đến xin phép nhà vua cho bà chia sẻ số phận của chồng bà.
Vua Phần Lan lúc đó là Hê-rít đã ngạc nhiên trước lời xin của Catarina. Nhà vua đã dùng mọi lý lẽ để thuyết phục Catarina bỏ ý định điên rồ kia. Nhà vua hỏi bà:
– Ngươi có biết rằng, chồng ngươi sẽ không bao giờ nhìn thấy ánh sàng mặt trời nữa không?
– Thưa hoàng thượng có.
– Và ngươi có biết rằng nay thì chồng ngươi không còn được đối xử như một bá tước nữa mà bị đối xử như một tên phản loạn không?
– Thưa hoàng thượng biết, tuy nhiên cho dù có được tự do hay tù tội, có tội hay vô tội, đức lang quan vẫn là chồng của tiện nữ.
Đức vua ngắt lời bà:
– Nhưng mà giờ đây còn điều gì ràng buộc ngươi với hắn nữa? Ngươi được tự do mà.
Nữ bá tước Vasa tháo chiếc nhẫn cưới đang đeo ở tay ra đưa cho nhà vua và nói:
– Xin hoàng thượng đọc cho.
Trên mặt chiếc nhẫn chỉ khắc vỏn vẹn có hai chữ mors sola. Nghĩa là chỉ có cái chết mà thôi. Giao ước ấy bà đã ký kết với chồng ngày hai người thành hôn.
Thế là Catarina được nhà vua cho phép chia sẻ với số phận tù đày với chồng sống trong ngục tố chịu cảnh khổ đau nhục nhã trong suốt 17 năm trường cho đến khi vua He-rit qua đời. Lúc đó hai vợ chồng bá tước Vasa mới được trả tự do.
4. Hôn nhân là một phép Bí tích mà Thiên Chúa ban tặng cho con người với đầy đủ tự do và trách nhiệm để sống yêu thương nhau trong tình vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ. Đây chính là cái đích thực của hôn nhân và trong cái đích thực đó con người mới nhận ra được giá trị của tình yêu, của nhân cách, của chân thiện mỹ.
Thế nhưng trong cuộc sống vội vã hôm nay, con người thường lao theo dòng chảy của nó. Họ yêu cuồng sống vội. Hôn nhân có khi chỉ là một sự tính toán, đổi chác, tìm danh vọng và xác thịt. Hôn nhân khác nào một cuộc chơi, thích thì lấy nhau không thích thì ly dị.
Vì ích kỷ, vì ham hưởng lạc, đã có những xã hội, ngày xưa cũng như ngày nay, cho phép ly dị. Có người lý luận rằng: “Hôn nhân là để sống hạnh phúc với nhau, nếu không còn hạnh phúc nữa thì sống chung làm gì cho khổ”. Mới nghe qua chúng ta cũng thấy có tình có lý. Nhưng nếu quan niệm ly dị một cách dễ dàng như vậy thì còn đâu ý nghĩa của gia đình, đâu là nền tảng của hôn nhân. Tình yêu chỉ còn là hưởng thụ ích kỷ, con người chẳng còn biết đến hy sinh, biết tha thứ, chịu đựng lẫn nhau để xây dựng hạnh phúc cho nhau. Và vì thế gia đình rất dễ tan vỡ, hơi một tí là bỏ nhau. Đó là chưa kể đến bao nhiêu hậu quả tai hại khác. Thật tội nghiệp cho những đứa trẻ không cha, không mẹ. Cho phép ly dị để đưa người ta đến chỗ ngoại tình, phản bội, bất trung… Vì vậy, một cách chung, cho phép ly dị không phải là giải pháp xây dựng hạnh phúc mà thường khi lại là nguyên nhân đưa đến tan vỡ.
Để bảo đảm hạnh phúc lâu bền, hôn nhân phải có 2 đặc tính: đơn nhất và vĩnh viễn, tựa như hai tay vịn để những ai sống đời hôn nhân có thể nắm lấy mà bước an toàn qua chiếc cầu gia đình, dù cầu có cao, sông có sâu.

Bài Ðọc I: (Năm II) Ed 16, 1-15. 60. 63

“Ngươi tuyệt hảo nhờ sự huy hoàng Ta đã mặc cho ngươi, thế mà ngươi đã mãi dâm truỵ lạc”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Hỡi con người, hãy cho Giêrusalem biết tội ác ghê tởm của nó. Hãy nói: Chúa là Thiên Chúa phán cùng Giêrusalem rằng: Nguồn gốc và sinh quán của ngươi là xứ Canaan. Cha ngươi là người Amorê: mẹ ngươi là người Xêthêa. Khi ngươi sinh ra, ngày ngươi chào đời, người ta không cắt rốn, không rửa ngươi trong nước cho sạch sẽ, không xát muối và bọc khăn cho ngươi. Không ai đem lòng thương xót nhìn ngươi để làm cho ngươi một công việc nào như thế. Ngày ngươi sinh ra, vì ghê tởm ngươi, người ta đã bỏ ngươi ngoài đồng.

Ta đi qua gần ngươi và thấy ngươi dẫy dụa trong máu. Ta đã nói cùng ngươi rằng: ‘Hãy sống trong máu và lớn lên như cỏ ngoài đồng’. Ngươi đã nảy nở, lớn lên và đến tuổi dậy thì. Ngực ngươi nở nang, tóc ngươi rậm dài, nhưng ngươi vẫn khoả thân. Bấy giờ Ta đi qua gần ngươi và thấy ngươi. Lúc đó ngươi đã đến tuổi yêu đương. Ta lấy vạt áo trải trên mình ngươi mà che sự khoả thân của ngươi. Ta thề và kết ước với ngươi – lời Chúa phán – và ngươi đã thuộc về Ta. Ta đã tắm ngươi trong nước, rửa máu trên mình ngươi và xức dầu cho ngươi. Ta đã mặc cho ngươi áo màu sặc sỡ và xỏ giày da tốt cho ngươi, thắt lưng ngươi bằng dây gai mịn và choàng cho ngươi áo tơ lụa. Ta đã lấy đồ quý mà trang điểm cho ngươi. Ta đã đeo xuyến vào tay ngươi, đeo kiềng vào cổ ngươi. Ta đã xỏ khoen vào mũi ngươi, đeo hoa tai vào tai ngươi và đặt triều thiên rực rỡ trên đầu ngươi. Ngươi đã được trang điểm bằng vàng bạc, mặc áo bằng vải mịn, tơ lụa và hàng thêu. Ngươi ăn bột miến lọc, mật ong và dầu ôliu. Càng ngày ngươi càng xinh đẹp và tiến lên ngôi nữ hoàng. Ngươi đã lừng danh giữa các dân tộc nhờ sắc đẹp của ngươi vì ngươi thật là tuyệt hảo nhờ sự huy hoàng Ta đã mặc cho ngươi. Chúa là Thiên Chúa phán, nhưng ngươi đã cậy sắc đẹp và lợi dụng danh tiếng của ngươi, để mãi dâm trụy lạc. Ngươi hiến thân cho bất cứ ai qua đường. Nhưng phần Ta, Ta sẽ nhớ lại giao ước Ta đã lập với ngươi khi ngươi còn xuân xanh. Ta sẽ lập với ngươi một giao ước vĩnh cửu. Như thế, để ngươi phải nhớ lại mà xấu hổ, và vì xấu hổ, ngươi sẽ không còn mở miệng ra nữa, khi Ta tha thứ hết mọi việc ngươi đã làm. Chúa là Thiên Chúa phán”.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*