Không có vấn đề Tòa Thánh sắp bị “phá sản”

Đức cha Nunzio Galantino, Chủ tịch Cơ quan Quản trị tài sản của Tòa Thánh, gọi tắt là APSA, phủ nhận các hư cấu của báo chí cho rằng Tòa Thánh đang trên đà “phá sản” và không có khả năng chi trả các chi phí.

Kết quả hình ảnh cho pope

Mới đây, trong cuốn sách “Cuộc phán xét cuối cùng”, tác giả Gianluigi Nuzzi, người Ý, đã phác thảo một kịch bản không thể tưởng tượng: Giáo hội sắp “phá sản”  khi không có tiền trả lương cho nhân viên, việc tu bổ các tòa nhà bị đình chỉ, sự sống còn của các giáo xứ ở Ý và trên thế giới bị đe dọa. 

Không có chuyện “phá sản”!

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Avvenire – Tương lai – của Hội đồng Giám mục Ý, Đức cha Galantino nói: “Ở đây không có việc “phá sản” hoặc không trang trải nổi. Chỉ có việc cần là xem xét các chi tiêu. Và đó là những gì chúng tôi đang làm. Tôi có thể chứng minh điều đó cho bạn bằng những con số”.

Trong năm 2018, APSA lời hơn 22 triệu euro

Đức cha phủ nhận ý kiến cho rằng kết toán thâm thủng trong ngân sách của Tòa Thánh là hậu quả của việc “quản lý chọn lựa khách hàng và không có quy tắc, của hoạt động kế toán ‘ma’ và sự ngoan cố phá hoại việc làm của Đức Giáo hoàng”. Đức cha giải thích rằng trong năm 2018, APSA lời hơn 22 triệu euro. Kết toán thâm thủng là do việc can thiệp ngoại thường nhằm cứu các hoạt động của một bệnh viện Công giáo và công việc của các nhân viên”.

Cần xem xét các chi tiêu, giảm chi phí nhân sự

Theo Đức cha, Tòa Thánh chỉ có thu nhập từ các tài sản của mình và đóng góp của các tín hữu để trả lương cho các nhân viên và giúp cho rất nhiều nhu cầu, nhất là của người nghèo. Do đó cần xem xét các chi tiêu, giảm chi phí nhân sự và chi phí vật liệu; điều này APSA đang làm cách cẩn thận.

Bất động sản của Tòa Thánh không sinh lời

Đức cha cũng giải thích về việc các bất động sản của Tòa Thánh không sinh lời: có 2400 căn hộ, hầu hết ở Roma và Castel Gandolfo và 600 cửa hàng và văn phòng. Các căn hộ và văn phòng sử dụng cho các cơ quan Tòa Thánh nên không sinh lời. Khoảng 60% các căn hộ được các nhân viên có nhu cầu thuê và số tiền thuê mướn được giảm bớt.

Cuối cùng, Đức cha khẳng định suy nghĩ cho rằng Giáo triều đối nghịch với Đức Giáo hoàng là một “sáo ngữ báo chí”.  Đức cha nói: “Tất cả chúng tôi đang tiếp tục làm việc để cân bằng thu nhập và chi phí và do đó chúng tôi cố gắng làm đúng những gì Đức Giáo hoàng muốn. (REI 22/10/2019).

Hồng Thủy

(VaticanNews 22.10.2019)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*