Thánh Phaolô Tống Viết Bường, Quan thị vệ (1773-1833) – Ngày 23 Tháng 10

Kết quả hình ảnh cho Phaolô Tống Viết BườngHiến lễ trong đêm.

Thánh Phaolô Tống Viết Bường, trường hợp đặc biệt bị xử trảm về đêm. Ngài là viên quan thị vệ có nhiều công trạng với vua Minh Mạng, nên Vua muốn cuộc hành hình phải diễn ra thật âm thầm, ít người biết đến. Năm giờ chiều, “Tử tội” mới được báo tin giờ xử, nhưng chính lúc ấy, ông đội Bường lại coi là một cơ may “Có một không hai” cho mình. trên đường ra pháp trường vào buổi chiều cuối tháng mười “chưa cười đã tối” đó, ông tìm cách đi chậm lại, và nói với đám lý hình (trước vốn thuộc quyền ông ): “Các chú đi chi mà nhanh rứa, tôi biết đường mà, không sợ lạc mô”.

Và thực ra, trời thì tối, cầu thì hẹp, lại đúng lúc nước sông đang lên, nên đường rất khó đi. Đàng khác, ông Bường chủ ý tìm đến nền cũ nhà thờ Thợ Đúc, xin được chết tại dây. Quan đồng ý ban cho ông như lời ước nguyện. Chính nơi đây, đã từng bao năm tháng, dưới ánh sáng lung linh của những ngọn nến, các tín hữu tụ họp dâng lên hiến lễ tối cao là Đức Giêsu, thì lúc này dưới ánh sáng của những ngọn đuốc bừng cháy, ông đội cũng dâng lên Chúa chính mạng sống mình. cho đến ngày nay, ông vẫn sống mãi trong tâm thức của mọi tín hữu Thợ Đúc, cũng như Giáo Hội Việt Nam.

Giã từ quan trường vì đức tin

Phaolô Tống viết Bường sinh khoảng năm 1773 tại Phủ Cam, Phú Xuân (Huế), trong một dòng tộc Công Giáo lâu đời, cũng là dòng tộc có nhiều quan lớn, dưới triều vua Lê, chúa Nguyễn. Thân sinh ông là Nicôlas Tống Viết Giảng và bà Maria Lương. Vì tổ tiên đều làm quan nên đến khi trưởng thành, ông được chọn là lính thị vệ. Với đời sống liêm khiết và đức độ, sau một thời gian, ông được thăng chức đội, và được nhà Nguyễn tuyển vào làm thị vệ hoàng cung. Vua Minh Mạng rất hài lòng về việc phục vụ cần mẫn và nhiệt tâm của ông. Ông có hai đời vợ, sinh hạ được tất cả 12 người con.

Vào năm 1831, giặc Đá Vách ở Quảng Nam nổi lên quậy phá, quan quân phải đi đánh dẹp. Ông đội Bường được vua cử đi thanh sát mặt trận. Ông mau mắn chu toàn phận sự, và trở về tâu trình thành quả đã đạt được, nhưng có lẽ trong thời gian đó, có người ghen ghét tố cáo ông theo Đạo Công Giáo nên Vua hạch hỏi ông: “Khi xong công tác, khanh có viếng chùa Non Nước không ?” Ông bình tĩnh trả lời: “Muôn tâu, vì hoàng thượng không truyền nên thần không đi. Hơn nữa, chùa Non Nước đâu có giặc để đánh”. Vua hỏi tiếp: “Lệ thường dẹp giặc xong rồi thì phải vô chùa lễ bái, tại sao khanh không đi ?” Ông không ngần ngại trả lời: “Vì hạ thần theo đạo Công Giáo”.

Thế là ông Đội Bường đã phải trả giá cho lời tuyên xưng niềm tin của mình. vua Minh Mạng thịnh nộ trách mắng thậm tệ và dọa đem đi chém đầu. Một số quan chức có cảm tình với ông đội, đứng ra can gián, nhà vua vẫn chưa nguôi giận, cho lệnh đánh ông 80 roi, tước hết chức quyền, và giáng xuống làm lính trơn. Dù vậy, ông Bường vẫn vui vẻ tiếp tục phục vụ nhà vua.

Vẹn chữ trung với Chúa

Hơn một năm sau, khoảng cuối tháng 12 năm 1832, khi chuẩn bị ra chiếu chỉ cấm đạo toàn quốc, vua Minh Mạng đòi kê khai những người công Giáo trong hàng ngũ thị vệ. Lúc đó các quan mới phát hiện ra nhiều thị vệ nghe lời “quyến rũ” của ông đội Bường vừa gia nhập đạo. Thế là ông Bường và 11 binh sĩ khác có tên trong danh sáh được trình lên. Năm người sợ qúa bỏ đạo, còn bẩy người vua hạ lệnh tống giam vào ngục tối tăm hôi hám tại trấn phủ. Mỗi người phải đeo gông nặng gần bảy mươi ký, chân thì bị xiềng sắt xích chặt.

Thời gian đầu, cứ độ mười ngày một lần, ông Bường bị đem ra tra khảo về niềm tin. Lần nào quan cũng hỏi: “Có bỏ đạo không?” Và lần nào cũng trả lời: “Lâu nay tôi chỉ thờ một Thiên Chúa dựng nên vạn vật, lẽ nào bây giờ tôi lại bỏ Chúa tôi?” Hậu quả mỗi lần thưa như vậy là 20 đòn rách da xé thịt, nhưng người chiến sĩ của Chúa không than trách một lời. Với chí khí một người lính kiên cường, ông tỏ ra sẵn sàng chịu những hình khổ cay nghiệt hơn nữa. Có lần ông nói với bạn hữu đến thăm rằng: “Kiếm cho tôi cái gì nặng hơn chứ gông xiềng tôi còn nhẹ. Người ta còn đánh đập tôi ít quá, tôi tưởng được chịu nhiều hơn nữa kia”.

Bốn lần quân lính khiêng qua Thập Giá, ông đều mạnh mẽ chống cự đến cùng. Lần kia, quan bắt lính kéo chân ông chạm vào Thập Gía, ông phản đối: “Việc này do quan làm, chứ tôi không bao giờ làm như thế”. Quan tức giận truyền đánh tàn nhẫn hơn mọi lần khác.

Đàn áp không được, các quan quay qua dụ dỗ. Quan Hình Bộ Thượng thư Võ Xuân Cần tha thiết khuyên ông chiều theo ý vua “bỏ đạo lúc này thôi, rồi sau sẽ hay, muốn làm gì thì làm”. Nhưng ông trả lời: “Quan lớn có lòng thương tôi thì tôi cũng xin quan lớn một điều là cho tôi được vẹn chữ Trung với Chúa Trời”.

Trong nhà giam, ông thường khuyên các bạn bị bắt hãy kiên tâm bền chí, trông cậy và cầu nguyện Đức Mẹ luôn, để được vững lòng chịu khổ đến cùng, vác Thập Giá theo Chúa Giêsu. Càng bị đau khổ, đời sống thiêng liêng của ông càng gia tăng. Mỗi ngày ông siêng năng cầu nguyện, suy gẫm và đọc kinh Mân Côi. Mỗi tháng nhờ các linh mục cải trang vào thăm, ông đều xưng tội và đón nhận Mình Thánh Chúa. hai linh mục An và Vững thay nhau vào khích lệ ông. Thừa sai Jaccard Phan cũng gửi thư an ủi động viên ông. Một lần, ông sáng tác được một bài thơ gửi cha An, biểu lộ lòng trung kiên sắt đá, coi mọi khổ đau là “niềm vui Chúa”.

Đường về trời

Thấy không thể lay chuyển đức tin của người môn đệ Chúa Kitô, quan Thượng thư Bộ Hình liền xin nhà vua tuyên án. Vua trả lời: “Cần gì bản án, cứ việc tra tấn không ngừng, nếu nó không chịu đạp lên Thập Tự thì cứ việc đánh cho chết, rồi vất ra ngoài thành là xong”.

Lần thứ hai các quan tâu lại, vua Minh Mạng mới chấp thuận châu phê bản án trảm quyết, treo đầu ba ngày để làm gương cho kẻ khác. Tuy nhiên, vua vẫn chưa cho thi hành ngay, có ý chờ “người tôi trung” của mình xin ân xá. Các quan nói ý vua cho đội Bường, nhưng ông quyết liệt từ chối. của mình xin ân xá. Các quan nói ý vua cho đội Bường, nhưng ông quyết liệt từ chối.

Thế là ngày 23.10.1833, lúc năm giờ chiều quân lính báo tin cho ông đội biết giờ hành xử đã đến. Ông bình thản giã từ sáu người bạn cùng bị bắt (cả sáu người này về sau cũng bị tử hình), ông nói: “Xin anh em thêm lời cầu nguyện, để tôi lãnh nhận Thánh ý Chúa. Đừng lo cho tôi, anh em hãy luôn đi theo đường lối của Chúa”.

Trên đường ra pháp trường, lấy cớ bị trói và mang gông nặng, ông đội kéo dài thời gian đi chuyển, để được chém trên một nền nhà thờ Thợ Đúc. Dọc đường, ông gặp mặt con gái, đã về nhà chồng ở họ Thợ Đúc, tuy không nói với nhau lời nào, nhưng trong ánh mắt hai cha con, dạt dào biết bao tình cảm xúc động.

Dưới ánh sáng bừng bừng của những ngọn đuốc, ông đội được tháo gông, cởi trói và tự do trong ít phút, ông tiến lên vài bước, bình tĩnh đứng nhìn lần cuối cùng những mái nhà thân thương của giáo xứ vây quanh nền nhà thờ hoang tàn. Rồi bước lên chiếc chiếu do một bạn cũ tên Thục ở Phủ Cam đưa cho lính trải. Ông quỳ xuống cầu nguyện giây lát, và ra lệnh cho lính thi hành án xử. Quân lính trói tay ông lại và vung gươm chém rơi đầu người chiến sĩ đức tin kiên cường. Thủ cấp ông bị bêu ba ngày ở nhà thờ Thợ Đúc, còn thi hài vị tử đạo được án táng ở họ Phủ Cam.

Ngày 27.5.1900, ông Phaolô Tống Viết Bường được Đức Giáo Hoàng Lêo XIII suy tôn lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.


Lm. Đào Trung Hiệu, OP

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*