Trong thư được viết vào ngày 17/7 và được công bố vào Chúa nhật ngày 04/8/2024, Đức Thánh Cha khuyến khích một tình yêu mới đối với việc đọc sách, và trên hết đề xuất một sự thay đổi sâu sắc trong quá trình chuẩn bị cho các ứng viên linh mục, để họ có nhiều không gian hơn cho việc đọc các tác phẩm văn chương. Bởi vì văn chương có thể giáo dục “trái tim và tâm trí của các mục tử” để “thực hành lý trí một cách khiêm tốn và tự do” và để “nhận ra sự đa dạng của các ngôn ngữ con người”, và do đó mở rộng sự nhạy bén của con người và dẫn đến sự cởi mở tâm linh hơn.
Hơn nữa, nhiệm vụ của các tín hữu, và đặc biệt là của các linh mục, là chạm đến trái tim của con người thời nay để họ có thể cảm động và mở lòng trước lời công bố của Chúa Giêsu, và trong tất cả những điều này, “sự đóng góp mà văn chương và thơ ca có thể mang lại là vô giá”.
Tác dụng hữu ích của việc đọc sách
Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến những tác dụng hữu ích của một cuốn sách hay, có thể là ốc đảo giúp chúng ta tránh xa những lựa chọn khác kém bổ ích. Những lúc mệt mỏi, nóng giận, thất vọng, thất bại và ngay cả khi cầu nguyện không giúp chúng ta tìm được sự bình yên nội tâm, thì sách có thể giúp vượt qua những thời điểm khó khăn và tìm được sự thanh thản trong tâm hồn.
Đức Thánh Cha nhận xét, trước khi tiếp xúc thường xuyên với các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, điện thoại di động và các thiết bị khác, mọi người thường dành nhiều thời gian cho việc đọc sách. Trong một sản phẩm nghe nhìn, mặc dù hoàn thiện hơn, nhưng thời gian dành cho việc làm phong phú các câu chuyện hoặc khám phá ý nghĩa của câu chuyện thường khá hạn chế, trong khi đọc sách, người đọc năng động hơn nhiều. Tác phẩm văn chương là một văn bản sống động và luôn mang lại kết quả, làm cho người đọc được phong phú thêm bởi những gì nhận được từ tác giả.
Dành thời gian cho văn chương
Đức Thánh Cha nhìn nhận, mặc dù trong các chủng viện đã có phản ứng tích cực với nỗi ám ảnh về màn hình và những tin giả độc hại, hời hợt và bạo lực, bằng cách dành thời gian chú ý cho văn chương, để đọc và thảo luận về những cuốn sách, nhưng nhìn chung, những người đang ở trong quá trình đào tạo để trở thành thừa tác viên thánh chức không có đủ không gian cho văn chương, đôi khi bị coi là “một nghệ thuật thứ yếu” không nhất thiết nằm trong chương trình đào tạo các linh mục tương lai và hành trình chuẩn bị cho thừa tác vụ mục vụ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Cách tiếp cận này không lành mạnh, và có thể dẫn đến sự nghèo nàn nghiêm trọng về trí tuệ và tinh thần của các linh mục tương lai”.
Gặp gỡ Chúa Giêsu
Đi vào thực tế cuộc sống, Đức Thánh Cha khuyên, ngày nay để đáp ứng cách thỏa đáng cơn khát Thiên Chúa của nhiều người, để họ không tìm cách thoả mãn cơn khát bằng những giải pháp xa lạ hoặc bằng một Chúa Giêsu Kitô không xác phàm, các tín hữu và linh mục, khi loan báo Tin Mừng, phải dấn thân để mọi người có thể gặp một Chúa Giêsu Kitô nhập thể, làm người, làm nên lịch sử. Chúng ta không bao giờ được đánh mất “xác phàm” của Chúa Giêsu Kitô, xác phàm đó được tạo nên từ những đam mê, cảm xúc, tình cảm, những lời thách đố và an ủi, những bàn tay chạm vào và chữa lành, những cái nhìn giải thoát và khích lệ, lòng hiếu khách, sự tha thứ, sự phẫn nộ, lòng can đảm: tóm lại là tình yêu. Vì lý do này, việc chăm chỉ làm quen với văn chương có thể làm cho các linh mục tương lai và tất cả các nhân viên mục vụ trở nên nhạy cảm hơn với nhân tính trọn vẹn của Chúa Kitô, trong đó thiên tính của Người được tuôn đổ trọn vẹn.
Thói quen đọc sách mang lại kết quả tích cực
Trong thư, Đức Thánh Cha cũng nêu rõ những hiệu quả tích cực đối với các học giả từ thói quen đọc sách. Đọc sách giúp chúng ta có được vốn từ rộng hơn, phát triển các khía cạnh khác nhau của trí tuệ, khích lệ trí tưởng tượng và sáng tạo, để học cách diễn đạt câu chuyện của mình phong phú hơn, cải thiện khả năng tập trung, giảm mức độ suy giảm nhận thức, làm dịu căng thẳng và lo lắng. Nói một cách cụ thể, việc đọc chuẩn bị cho chúng ta hiểu và do đó đối diện với những tình huống khác nhau có thể nảy sinh trong cuộc sống. Khi đọc, chúng ta hoà mình vào các nhân vật, những mối quan tâm, những bi kịch, những nguy hiểm, những nỗi sợ hãi của những người cuối cùng đã vượt qua thử thách trong cuộc sống. Và chúng ta có thể đi xa hơn khi định nghĩa văn chương là lắng nghe tiếng nói của ai đó.
Chậm lại, suy tư, lắng nghe
Ngoài ra, văn chương cần thiết để trải nghiệm cuộc sống một cách hiệu quả. Và nếu cái nhìn của chúng ta về thế giới bị hạn chế trong những bổn phận cá nhân, đôi khi rơi vào chủ nghĩa hiệu quả làm tầm thường hóa sự phân định, làm nghèo đi sự nhạy cảm và giảm thiểu sự phức tạp, thì chúng ta cần phải học cách tránh xa những gì tức thời, học cách hành động “chậm lại, suy tư và lắng nghe”. Điều này có thể xảy ra khi chúng ta dừng lại để đọc một cuốn sách. Đọc sách giúp chúng ta nhìn mọi sự bằng con mắt của người khác, phát triển sức mạnh đồng cảm của trí tưởng tượng, khám phá ra rằng những gì chúng ta cảm thấy không chỉ là của chúng ta mà còn mang tính phổ quát, và do đó ngay cả khi bị bỏ quên chúng ta cũng không cảm thấy cô đơn.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Leave a Reply