Diễn từ của Đức Thánh Cha dành cho sự kiện Ông bà và con cháu

Sáng thứ Bảy ngày 27.04, Old Age Foundation đã tổ chức sự kiện “Cử chỉ âu yếm và nụ cười” quy tụ hơn 6.000 ông bà và con cháu nhằm nêu bật các quyền của người cao niên và nghĩa vụ của xã hội đối với họ. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho những người tham dự sự kiện buổi tiếp kiến riêng tại Thính Đường Phaolô VI. Sau đây là toàn văn Việt ngữ diễn từ của Đức Thánh Cha:

DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO SỰ KIỆN ÔNG BÀ VÀ CON CHÁU: CỬ CHỈ ÂU YẾM VÀ NỤ CƯỜI

Thính Đường Phaolô VI

Thứ Bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024

Quý ông bà và con cháu thân mến, xin chào anh chị em!

Tôi xin chào Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, và tất cả những người đã cộng tác để tổ chức cuộc gặp gỡ này. Và đặc biệt, tôi xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến nhiều người nổi tiếng trong ngành giải trí đã mong muốn tham gia. Xin cảm ơn! Tất cả chúng ta đều có ông, bà, hoặc hai ông bà nội, ngoại … thật là một trải nghiệm tuyệt vời khi có ông bà! Nhưng ngay cả Ý cũng có một “người ông”! Do đó, tôi muốn chào người ông của nước Ý đang hiện diện ở đây (Đức Thánh Cha có ý nhắc đến Lino Banfi, một diễn viên hài và người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng. Ông được coi là một huyền thoại của Ý).

Thật vui mừng khi được chào đón các ông bà và con cháu, già, trẻ, lớn, bé trong sự kiện này. Hôm nay, đúng như lời Thánh Vịnh, ngọt ngào tốt đẹp lắm thay khi chúng ta được sống vui vầy bên nhau (x. Tv 133). Người ta chỉ cần nhìn vào anh chị em là có thể hiểu được lời đó, bởi vì giữa anh chị em có tình yêu. Và chính vì điều này mà tôi muốn chúng ta suy tư một chút: về thực tế là tình yêu làm cho chúng ta tốt hơn, phong phú hơn, và khôn ngoan hơn, ở mọi lứa tuổi.

Trước hết: tình yêu làm cho chúng ta tốt hơn. Anh chị em cũng cho thấy rằng anh chị em làm cho nhau tốt hơn bằng cách yêu thương nhau. Và tôi cũng nói điều này với anh chị em với tư cách là một “người ông”, với ước muốn chia sẻ đức tin luôn trẻ trung gắn kết mọi thế hệ. Tôi cũng đã nhận được đức tin này từ bà tôi, người mà lần đầu tiên tôi học biết về Chúa Giêsu, Đấng yêu thương chúng ta, Đấng không bao giờ để chúng ta cô độc, và là Đấng thúc đẩy chúng ta hãy gần gũi nhau và đừng bao giờ loại trừ bất cứ ai. Tôi vẫn còn nhớ những lời cầu nguyện đầu tiên mà bà tôi đã dạy tôi. Chính từ bà mà tôi đã nghe câu chuyện về một gia đình nọ có một người ông, vì ông không còn ăn ngon lành và thường làm bẩn bàn ăn nên đã bị người con cho ngồi ăn một mình ở chỗ khác. Và đó không phải là một điều tốt, trái lại, nó rất tệ! Bà tôi kể tiếp rằng, thấy vậy, đứa cháu trai nhỏ bắt đầu loay hoay mày mò suốt mấy ngày liền với búa và đinh, và khi người cha hỏi cậu bé đang làm gì, cậu trả lời: “Con đang đóng một cái bàn cho bố, để khi về già, bố có thể tự ăn một mình!” Đây là điều bà tôi đã dạy tôi và tôi không bao giờ quên câu chuyện này. Anh chị em cũng đừng quên điều đó, bởi vì chỉ khi ở bên nhau với tình yêu thương và không loại trừ ai, người ta mới trở nên tốt hơn, nhân bản hơn!

Không những thế, chúng ta còn trở nên phong phú hơn. Điều này xảy ra thế nào được? Xã hội của chúng ta có rất nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, giàu kiến thức và phương tiện hữu ích cho mọi người. Tuy nhiên, nếu không có sự chia sẻ và ai cũng chỉ nghĩ đến bản thân mình thì sự phong phú đó sẽ mất đi; đúng hơn, nó trở thành sự bần cùng hóa của nhân loại. Và đây là một nguy cơ lớn cho thời đại chúng ta: sự nghèo nàn của sự phân mảnh và ích kỷ. Người ích kỷ cho rằng mình quan trọng hơn nếu đặt mình ở vị trí nổi bật hơn, và nếu mình có nhiều thứ hơn… Nhưng người ích kỷ là người nghèo nhất, vì ích kỷ bần cùng hóa con người. Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến một số cách diễn đạt chúng ta sử dụng: khi chúng ta nói về “thế giới của người trẻ”, “thế giới của người già”, thế giới của cái này, thế giới của cái kia… Nhưng chỉ có một thế giới mà thôi! Và thế giới được tạo thành từ nhiều thực tại khác nhau nhằm giúp đỡ và bổ sung cho nhau: các thế hệ, các dân tộc và tất cả những khác biệt, nếu được hòa hợp, sẽ giống như các mặt của một viên kim cương lớn, có thể mạc khải vẻ huy hoàng kỳ diệu của con người và của thụ tạo. Việc anh chị em ở bên nhau cũng dạy chúng tôi điều này: Đừng để sự đa dạng tạo ra rạn nứt giữa chúng ta! Đừng nghiền nát viên kim cương tình yêu, kho báu đẹp nhất mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta: Tình yêu.

Đôi khi chúng ta nghe thấy những cụm từ như “Hãy nghĩ đến bản thân!”, “không cần ai cả!”. Đây là những câu nói sai sự thật, lừa dối mọi người, khiến người ta lầm tưởng rằng tốt nhất là không nên phụ thuộc vào người khác, tự mình làm mọi việc, sống như những hòn đảo, trong khi đó là những thái độ chỉ tạo ra nhiều nỗi cô đơn. Ví dụ như khi, do nền văn hóa vứt bỏ, người già bị bỏ rơi và phải trải qua những năm tháng cuối đời xa nhà và xa những người thân yêu. Anh chị em nghĩ gì về điều này? Nó tốt hay không tốt? Không! Không được để người cao tuổi lẻ loi một mình, mà họ phải sống trong gia đình, trong cộng đồng, trong tình yêu thương của mọi người. Và nếu họ không thể sống cùng gia đình thì chúng ta phải đến thăm họ và gần gũi với họ. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút: Chúng ta có thích điều này chăng? Chẳng phải một thế giới mà trong đó không ai phải sợ là mình sẽ phải kết thúc chuỗi ngày cô đơn sẽ tốt đẹp hơn nhiều sao? Thế giới này thật đáng buồn, rõ ràng là nó thật đáng buồn. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng thế giới này, không chỉ bằng việc đưa ra các chương trình chăm sóc, mà còn bằng việc nuôi dưỡng những dự án khác nhau về sự hiện hữu, trong đó những năm tháng trôi qua không được coi là một mất mát làm suy yếu ai đó, mà là một điều tốt đẹp giúp phát triển và làm phong phú cho mọi người: và như vậy tuổi già được trân trọng chứ không phải sợ hãi.

Và điều này đưa chúng ta đến khía cạnh cuối cùng: tình yêu làm cho chúng ta khôn ngoan hơn. Thật kỳ lạ: tình yêu làm cho chúng ta khôn ngoan hơn. Các con cháu thân mến, ông bà của các con là ký ức của một thế giới không còn ký ức, và “khi một cộng đoàn mất đi ký ức thì nó sẽ kết thúc” (Diễn văn dành cho Cộng đồng Sant’Egidio, ngày 15.06.2014). Cha hỏi các con: Điều gì sẽ xảy ra với một xã hội mất đi ký ức? (Các bạn trẻ trả lời) Nó sẽ kết thúc!. Chúng ta không được đánh mất ký ức của mình. Hãy lắng nghe ông bà của các con, nhất là khi ông bà dạy dỗ các con bằng tình yêu và bằng chứng tá, để vun đắp những tình cảm quan trọng nhất, vốn là những tình cảm không thể đạt được bằng vũ lực, không xuất hiện qua sự thành công, nhưng tràn đầy cuộc sống.

Không phải ngẫu nhiên mà chính hai vị cao niên, tôi thích nghĩ đến ông Simeon và bà Anna, đã nhận ra Chúa Giêsu khi Người được Đức Maria và Thánh Giuse dâng trong Đền thờ (x. Lc 2,22-38). Chính hai ông bà đã nhận ra Chúa Giêsu trước những người khác. Hai ông bà chào đón Người, bồng ẵm Người trên tay và hiểu ra – chỉ họ mới hiểu ra – chuyện gì đang xảy ra: nghĩa là Thiên Chúa đang ở đó, Ngài hiện diện và Ngài đang nhìn họ bằng đôi mắt của một Hài nhi. Anh chị em hiểu không? Chỉ có hai vị lớn tuổi này, khi nhìn thấy hài nhi Giêsu, nhận ra rằng Đấng Mêsia đã đến, Đấng Cứu Thế mà mọi người đang chờ đợi. Chính những người lớn tuổi là người đã hiểu được Mầu nhiệm.

Người cao tuổi thường đeo kính – hầu hết đều đeo kính – nhưng họ có thể thấy rất xa. Làm sao lại như vậy được? Người cao tuổi có thể nhìn xa trông rộng vì họ đã sống nhiều năm và có nhiều điều để dạy: ví dụ như chiến tranh tàn khốc đến mức nào. Trước kia, tôi đã học được điều này từ ông tôi, người đã sống qua Thế chiến thứ nhất năm 1914, tại Piave, và qua những câu chuyện của ông, tôi đã hiểu được rằng chiến tranh là một điều khủng khiếp, không bao giờ nên được xảy ra. Ông còn dạy tôi một bài hát hay mà tôi vẫn còn nhớ. Các con có muốn cha kể cho các con nghe không? (Các bạn trẻ thưa “Dạ có!”). Hãy ngẫm nghĩ kỹ, những người lính ở Piave đã hát thế này: “Tướng Cadorno viết cho Nữ hoàng, nếu bà muốn thấy Trieste, hãy nhìn nó trên một tấm bưu thiếp!”. Thật tuyệt vời! Những người lính thường hát bài đó.

Hãy đến thăm ông bà của các con và đừng gạt họ ra bên lề, vì lợi ích của chính các con: “Việc gạt người già ra bên lề – cả về mặt khái niệm lẫn thực tế – làm hư hỏng mọi giai đoạn của cuộc sống chứ không chỉ giai đoạn của tuổi già” (Bài Giáo lý, ngày 01.06.2022). Ở một giáo phận nọ, cha thường đến thăm các viện dưỡng lão và cha luôn hỏi: “Bà có bao nhiêu đứa con?” “Nhiều, nhiều!” “Và các con của bà có đến thăm bà không?” “Dạ có, chúng luôn đến – con nhớ một điều là – các con của con luôn đến thăm con”. Và khi cha rời đi, cô y tá nói với cha rằng, “Bà cụ tốt lành biết bao, bà đã che chở cho con mình đến mức nào: bọn trẻ chỉ đến một năm hai lần, không hơn”. Ông bà là người rộng lượng: biết cách che đậy những điều không tốt. Làm ơn hãy đến thăm ông bà của các con, đừng bỏ rơi ông bà, đó là vì lợi ích của chính các con. Cha thích lặp lại điều này: Việc bị gạt ra bên lề xã hội làm hư hỏng mọi giai đoạn của cuộc sống, chứ không chỉ riêng giai đoạn tuổi già. Thay vào đó, các con học được sự khôn ngoan từ tình yêu mãnh liệt cũng như từ sự mong manh của ông bà, đó là một “giáo huấn” có khả năng dạy dỗ mà không cần lời nói, một liều thuốc giải độc thực sự cho sự chai cứng của con tim: giáo huấn này sẽ giúp các con không bị mắc kẹt trong hiện tại, và tận hưởng cuộc sống như một mối tương quan (x. Đức Bênêđíctô XVI, Chào mừng tại gia đình ‘Long Live the Elderly’, ngày 12.11.2012). Nhưng không chỉ có thế: khi ông bà và các cháu, già trẻ ở bên nhau, khi thường xuyên gặp gỡ trò chuyện với nhau, khi quan tâm đến nhau thì tình yêu của anh chị em là hơi thở trong lành làm tươi mới thế giới, xã hội và làm cho tất cả chúng ta mạnh mẽ hơn, vượt lên trên mối tương quan họ hàng.

Đó là thông điệp mà Chúa Giêsu cũng đã ban cho chúng ta, trên thập giá: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Ðức Giêsu nói với thân mẫu rằng: Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Ðây là mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (Ga 19,26-27). Với những lời này, Chúa đã ủy thác cho chúng ta một phép lạ cần thực hiện: phép lạ của tình yêu thương nhau như một đại gia đình.

Anh chị em thân mến, cảm ơn anh chị em đã hiện diện nơi đây và cảm ơn vì những gì anh chị em đang làm với Tổ chức “Età Grande”! Cùng nhau, hiệp nhất, anh chị em là tấm gương và món quà cho mọi người. Tôi nhớ đến anh chị em trong lời cầu nguyện, tôi chúc lành cho anh chị em, và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn, cảm ơn rất nhiều!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: vatican.va (27. 04. 2024)

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*