Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Đâu là vị trí chính xác của Sách Tin Mừng trên bàn thờ? Con đã thấy tại một số nơi, Sách được đặt trên Khăn thánh (Corporal), tại một số nơi khác, Sách được đặt ở một bên của bàn thờ, và thậm chí một số phó tế đặt Sách dựng đứng, để cộng đoàn có thể nhìn thấy rõ. Thưa cha, có qui định nào liên quan chủ đề này không? – D. E., Turin, Ý.
Đáp: Việc sử dụng một Sách Tin Mừng đầy đủ đã trở nên phổ biến hơn, trong phụng vụ Công Giáo, sau cải cách của Công Đồng chung Vatican II. Sách Tin Mừng luôn được xem như một biểu tượng của Chúa Kitô, cùng với bàn thờ và Thánh giá. Do đó, Sách đã có được sự tôn kính đặc biệt và danh dự phụng vụ. Từ thế kỷ V, Sách đã được đặt trên bàn thờ, được hôn, và được đọc từ một giảng đài đặc biệt, kèm theo với nến và hương. Sách đã được đặt trên một ngai vàng để chủ tọa nhiều Công đồng của Giáo Hội, và được sử dụng trong việc tấn phong Giám mục, và trong việc tuyên khấn của tất cả các hình thức của việc tuyên hứa trọng thể.
Sách chứa đựng các Tin Mừng đã được ghi chép lại cẩn thận, thường được viết với chữ vàng và bạc, và có bìa quý giá. Thánh Ambrôxiô (340-397) nhắc lại bìa vàng của một bản sao ở Milan. Thật vậy, nhà thờ chính tòa Milan vẫn sở hữu một trang bìa ngà voi, được chạm khắc tinh xảo của một Sách Tin Mừng thuộc thế kỷ V. Có rất nhiều thí dụ sau đó của các Sách này cho đến thế kỷ XII.
Sau giai đoạn này, việc sử dụng rộng rãi của Sách lễ trọn bộ, vốn chứa trong một tập sách tất cả những gì cần thiết để cử hành Thánh Lễ, bao gồm các bài đọc, làm cho việc sử dụng một Sách Tin Mừng riêng biệt trong Thánh Lễ ngày càng trở thành lỗi thời.
Hầu hết các Giáo Hội phương Đông không bao giờ bỏ qua việc sử dụng một Sách Tin Mừng. Thí dụ, trong truyền thống Byzantine, Sách Tin Mừng thường được giữ tại một vị trí trung tâm trên bàn thờ. Trong số các nghi thức ban đầu của Phụng Vụ Thánh, có sự “rước nhỏ”, mà trong đó linh mục cầm Sách Tin Mừng từ bàn thờ và trao Sách cho thầy phó tế. Phó tế hoặc linh mục, nếu không có phó tế ở đó, đi ngược chiều kim đồng hồ chung quanh bàn thờ, và đi qua gian giữa của nhà thờ, trước khi trở lại lối vào của ngăn cung thánh (iconostasis). Trong số các yếu tố khác, yếu tố này tượng trưng cho Chúa Kitô, Đấng đi giữa dân của Ngài.
Do đó, sự phục hồi việc sử dụng Sách Tin Mừng trong Giáo Hội Latinh có thể cung cấp một sự giàu có của các ý nghĩa và cơ hội huấn giáo.
Đối với vấn đề chính xác, trước hết tôi sẽ gợi ý rằng Sách không nên được đặt trên Khăn thánh, bởi vì Khăn thánh chưa được mở ra ở thời điểm này của Thánh Lễ. Sách có thể được đặt ở trung tâm bàn thờ, ở cùng vị trí mà sau đó Khăn thánh sẽ được mở ra trong phần Phụng Vụ Thánh thể.
Các qui định hiện này là không quá chính xác. Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma nói:
“122. Khi tới bàn thờ, vị tư tế và các thừa tác viên cúi mình sâu.
“Nếu có mang thánh giá có hình Chúa chịu nạn trong khi đi rước, thì đặt thánh giá gần bàn thờ để thành thánh giá bàn thờ. Chỉ để một thánh giá thôi, nên nếu có rồi thì đem thánh giá đi rước cất đi. Ðèn thì đặt trên bàn thờ hay bên cạnh; sách Tin Mừng, thì đặt trên bàn thờ.
“172. Hai tay nâng sách Tin Mừng, thầy phó tế đi trước vị tư tế mà tiến đến bàn thờ; nếu không có cầm sách thì thầy đi bên cạnh.
“173. Khi đến bàn thờ, nếu mang sách Tin Mừng, thầy không bái kính, bước lên bàn thờ đặt sách Tin Mừng trên bàn thờ, rồi cùng với vị tư tế hôn kính bàn thờ.
“Nếu không mang sách Tin Mừng, thầy cúi mình sâu chào bàn thờ cùng với vị tư tế, và cùng với ngài hôn kính bàn thờ.
“Sau đó, nếu có xông hương, thầy sẽ giúp vị tư tế bỏ hương và xông hương thánh giá và bàn thờ.
“D. Những phần việc của thầy đọc sách
“194. Khi tiến ra bàn thờ, nếu không có thầy Phó tế, thầy đọc sách, mặc áo được chấp thuận, có thể mang sách Tin Mừng, nâng cao lên một chút; trong trường hợp này, thầy đi trước vị tư tế; còn nếu không, thầy đi với các người giúp khác.
“195. Khi tới bàn thờ, cùng với những người khác, thầy kính cẩn bái chào bàn thờ. Nếu có mang sách Tin Mừng, thầy bước tới bàn thờ, đặt sách Tin Mừng trên bàn thờ. Sau đó, thầy cùng với các người giúp khác về chỗ của mình trong cung thánh” (Bản dịch Việt ngữ của Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).
Các tài liệu khác nói nhiều hơn hoặc ít hơn, so với các qui định trên đây. Vì vậy, những gì bây giờ tôi nói là trong lĩnh vực tư tưởng, và không cần phải được thực hiện như là bắt buộc.
Trước hết, sự mơ hồ có lẽ là cố ý, trong chừng mực nó cho phép một số giải pháp thực tiễn, dựa vào diện tích thiết kế của cung thánh, sự hiện diện hay thiếu vắng một phó tế, hoặc ngay cả các yêu cầu đặc biệt của một buổi lễ riêng.
Sau khi nói như vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta đang đứng trên nền móng chắc chắn để nói rằng, nhìn chung, việc thực hành tồn tại trong suốt 50 năm qua là đặt Sách Tin Mừng, nằm phẳng, ở trung tâm của bàn thờ, hoặc xê xích một chút của nơi mà Khăn thánh sẽ được mở ra. Đây là giải pháp phù hợp nhất với sự thực hành trước kia, xa lâu như chúng ta có thể biết, và là tập tục ở tất cả các Thánh lễ giáo hoàng, kể từ khi có cải cách hậu Công đồng Vatican II.
Sự thực hành này cũng được yêu cầu, bất cứ khi nào Thánh giá bàn thờ được đặt trên bàn thờ, ở trung tâm đối diện với chủ tế.
Nếu Thánh giá bàn thờ được đặt nơi khác, Sách Tin Mừng có thể được đặt phẳng ở trung tâm của mặt trước bàn thờ, nếu phần hậu cần làm cho giải pháp này là cần thiết.
Tôi không nghĩ rằng việc đặt đứng Sách Tin Mừng trên bàn thờ, điều mà chính bản thân tôi chưa hề nhìn thấy, là một thực hành phụng vụ tốt. Không có truyền thống nào hỗ trợ sự thực hành này, và nó sẽ tạo ra một cực thứ ba gây mất tập trung cho sự chú ý, trong các nghi thức đầu lễ và Phụng Vụ Lời Chúa, khi người ta giả thiết rằng sự chú ý là trước tiên hướng tới ghế chủ tọa của chủ tế, và sau đó hướng về giảng đài trong phần đọc các bài đọc. Cảm thức tốt phụng vụ nên dành sự chú ý tới Sách Tin Mừng, vào khoảnh khắc khi Sách được công bố.
Sau bài trả lời của tôi ngày 25-10, về tại sao quá có nhiều nghi lễ trong Giáo Hội, một độc giả viết: “Trong bài trả lời gần đây, cha đề cập các phân chia nhỏ của nghi lễ Latinh. Cụ thể, cha nói rõ các nghi lễ thông thường và nghi lễ ngoại thường, sau đó cha nhắc đến các nghi lễ Ambrôxiô, Mozarabic, Đaminh. Con tin rằng cha quên nhắc đến nghi lễ của các Giáo hạt tòng nhân Anh giáo”.
Đáp: Tôi thật sự có lỗi về thiếu sót này. Bạn ạ, phụng vụ của các Giáo hạt tòng nhân Anh giáo thuộc danh mục chung của nghi lễ Rôma, với các đặc thù nhất định.
(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 8-11-2016)
Leave a Reply